Các HTX cần vốn để tăng hiệu quả hoạt động, nhưng do không có tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Để giúp các HTX cải thiện tình hình tài chính, Liên minh HTX tỉnh đưa ra phương án xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, xung quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết việc tiếp cận vốn ngân hàng của các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Ông Lê Thanh Lam - Ảnh: MINH DUYÊN |
- Thời gian qua, các HTX được hỗ trợ từ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước thông qua Nghị định 41, Nghị định 55 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thế nhưng thực tế, từ năm 2010 đến nay (khi Nghị định 41 có hiệu lực), trên địa bàn tỉnh chỉ có 22 trong tổng số 116 HTX được vay vốn. Cụ thể, 18 HTX được vay vốn các ngân hàng thương mại với số tiền hơn 8,7 tỉ đồng và 4 HTX được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Hiện 13 HTX còn vay vốn với dư nợ gần 5,2 tỉ đồng, chỉ chiếm 0,03%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng.
Ở đây tồn tại một nghịch lý, HTX là đối tượng thụ hưởng ưu đãi từ 2 nghị định trên nhưng số HTX được vay và số tiền được vay quá ít, chỉ với 0,03%/tổng dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng. Những HTX được vay đều là những đơn vị hoạt động hiệu quả, có tài sản thế chấp đảm bảo; chưa HTX nào được tiếp cận vốn chỉ bằng tín chấp đúng theo tinh thần của nghị định. Trong khi các HTX trung bình, yếu mới cần vốn để vực dậy thì lại không đủ điều kiện tiếp cận vốn đúng tiêu chí của các ngân hàng. Theo khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, hiện 70% HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh.
* Liên minh HTX tỉnh có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Liên minh HTX tỉnh đã nhiều lần làm việc với các ngân hàng thông qua các chương trình kết nối để tìm tiếng nói chung trong thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho các HTX. Tuy nhiên kết quả mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi để hiểu đặc thù hoạt động của nhau chứ chưa có phương án giải quyết thấu đáo. Cả ngân hàng và HTX đều là những đơn vị kinh tế độc lập tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh. Các HTX cần vốn, được cho cơ chế vay vốn nhưng lại không thể tiếp cận vốn. Còn đứng ở góc độ của các ngân hàng, Liên minh HTX tỉnh hiểu tâm lý e ngại khi cho HTX vay vốn.
Nhìn lại lịch sử hoạt động của các HTX, có thời điểm các HTX hưởng vốn ưu đãi nhưng hoạt động thua lỗ dẫn tới phải đề xuất xóa nợ. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các HTX để nợ tồn đọng nhiều, phương án thu hồi nợ không có. Tài sản cố định tại HTX được coi là có giá trị thế chấp như nhà đất thì không đủ đảm bảo với ngân hàng và chỉ có thể làm tài sản tín chấp… Những hạn chế này khiến ngân hàng không cho HTX vay vốn là điều dễ hiểu. Dù cơ chế có ưu đãi tới đâu mà các HTX không giải quyết được những hạn chế này thì sẽ không vay được vốn ngân hàng. Trong khi đó, để nâng cao hoạt động cho các HTX, ngoài cơ chế chính sách, sự ủng hộ của các cấp chính quyền thì vốn vẫn là nút thắt quan trọng nhất cần được tháo gỡ. Thực tế cho thấy, ngân hàng không thể giúp các HTX tháo gỡ nút thắt này. Vậy để có giải pháp lâu dài về vấn đề này, tỉnh cần cho ra đời Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và Liên minh HTX tỉnh sẽ đứng ra trực tiếp quản lý quỹ này. Đây chính là giải pháp lâu dài mà Liên minh HTX tỉnh đưa ra từ nhiều năm nay.
Các nông dân tham quan mô hình sản xuất giống lúa ĐV108 cấp xác nhận tại HTX An Thạch, huyện Tuy An - Ảnh: MINH DUYÊN |
* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về giải pháp lâu dài này?
Tại hội nghị thông qua đề án “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, hợp tác xã tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trần Hữu Thế đã chỉ đạo các sở Tài chính, KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên và Liên minh HTX tỉnh đề xuất UBND tỉnh thành lập quỹ. Hiện Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng đề án Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX với nguồn vốn đề xuất khoảng 10 tỉ đồng. |
- So với các tỉnh khác, đây không phải là giải pháp mới. Trên cả nước hiện có 46/63 tỉnh, thành phố thành lập quỹ với tổng vốn hơn 1.000 tỉ đồng. Quỹ ra đời đã hỗ trợ các HTX về vốn. Các HTX không cần phải tìm tới ngân hàng như là kênh cung cấp vốn duy nhất. Chính hiệu quả thực tế của nó ở các tỉnh đã khiến Liên minh HTX Việt Nam có văn bản yêu cầu HĐND tỉnh Phú Yên trích ngân sách thành lập quỹ.
Riêng Liên minh HTX tỉnh cũng nhận thấy, không có đơn vị nào hiểu các HTX bằng chính Liên minh HTX tỉnh với tư cách là đơn vị chủ quản. Nắm được ưu, nhược điểm của từng HTX, đơn vị sẽ có phương án hỗ trợ vốn cũng như cùng HTX đưa ra phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, sao cho phát huy tốt nhất thế mạnh của mỗi HTX. Hãy cùng nhìn lại trường hợp của HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp, HTX này cần 1 tỉ đồng để thu mua lúa giống cho bà con. Ngân hàng có thể hoài nghi về tính hiệu quả của nó, vì cán bộ tín dụng khi đi khảo sát HTX thấy nhà cấp 4, trang thiết bị thô sơ… không giống các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, nên dù hồ sơ của HTX có đầy đủ thế nào cũng không khỏi hoài nghi về khả năng trả nợ khi giao số vốn cả tỉ đồng.
Vì vậy, quỹ ra đời sẽ tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để mở rộng sản xuất, kinh doanh; giúp các HTX được vay vốn đầu tư, tăng năng lực sản xuất, có khả năng cạnh tranh thị trường tốt hơn, phát triển bền vững, đồng thời tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động trong khu vực HTX, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
* Xin cảm ơn ông!
MINH DUYÊN (thực hiện)