Đầu tháng 3/2017, đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Phú Yên về thực hiện chính sách pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.
* Qua thực tế kiểm tra tại Phú Yên, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách pháp luật an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh?
Ông Phùng Đức Tiến - Ảnh: NGÔ XUÂN |
- Qua giám sát tại Phú Yên về việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm, chúng tôi nhận thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh tương đối hoàn chỉnh để đảm bảo quản lý sản xuất an toàn. Bên cạnh việc thực hiện những luật liên quan đến an toàn thực phẩm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch triển khai các nghị định, thông tư liên tịch, thông tư của các bộ, ngành. Bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cũng được kiện toàn đáng kể, đặc biệt là sau Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Qua giám sát, chúng tôi cũng nhận thấy Phú Yên đã đầu tư nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm khá mạnh. Địa phương có những vùng quy hoạch sản xuất rau, chăn nuôi, giết mổ tập trung. Việc khảo sát, đánh giá thổ nhưỡng, nguồn nước cũng được triển khai trên địa bàn qua các vùng quy hoạch. Đặc biệt, tỉnh cũng có những mô hình sản xuất rau an toàn, VietGap; các hệ thống chuỗi thực phẩm từ chuồng nuôi, ao nuôi đến bàn ăn đã được kết nối. Việc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn cũng được thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
* Hiện việc thực hiện chính sách an toàn thực phẩm tại Phú Yên còn có những bất cập gì, thưa ông?
- Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng hiện việc sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn Phú Yên vẫn còn rất nhiều thách thức. Tỉnh đã có quy hoạch triển khai chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn từ năm 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên đến nay, tiến độ thực hiện quy hoạch còn chậm, nguồn lực chưa được tập trung. Các vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn đã có, nhưng quy trình thực hiện vẫn chưa chuẩn. Việc kiểm soát về thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly thuốc, quy trình sản xuất chưa được chặt chẽ. Vấn đề liên kết từ sản xuất rau an toàn đến chuỗi phân phối chưa được thông suốt. Đây cũng chính là khó khăn của các hộ, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn.
Hiện tỉnh có 278 cơ sở giết mổ, trong đó có hai cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại một cơ sở giết mổ tập trung ở TP Tuy Hòa, đoàn giám sát nhận thấy quy trình làm việc ở đây còn khá nhiều bất cập, thể hiện ở tất cả các công đoạn, từ khâu giết mổ, xử lý phụ tạng, pha lóc đến vận chuyển thịt đều chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm.
Tại Phú Yên, phần lớn các cơ sở sản xuất thực phẩm đều có quy mô nhỏ lẻ, với số lượng hộ sản xuất khá lớn, nằm rải rác; vật tư nông nghiệp đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón và hàng loạt hóa chất khác chưa được kiểm soát chặt chẽ; luật pháp vẫn chưa chi phối đến được từng hộ sản xuất nhỏ lẻ, nguồn lực đầu tư vào việc kiểm soát hoạt động an toàn thực phẩm còn chưa đáng kể… Tất cả những điều này cho thấy địa phương vẫn cần phải quan tâm nhiều đến việc kiểm soát an toàn thực phẩm.
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại khu trồng rau an toàn xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa - Ảnh: NGÔ XUÂN |
* Vậy theo ông, Phú Yên cần có những giải pháp nào để cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm?
- Ngay từ bây giờ, Phú Yên cần rà soát lại quy hoạch, tính toán các mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt được bao nhiêu phần của chặng đường. Đồng thời, tỉnh phải sớm đưa ra những giải pháp, kế hoạch thực tế hơn để thúc đẩy việc sản xuất thực phẩm an toàn lên một bước, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Phú Yên cũng cần rà soát lại nguồn lực thực hiện quy hoạch, hệ thống trang thiết bị, đội ngũ cán bộ chuyên gia chuyên sâu... Tỉnh phải chủ động đào tạo được đội ngũ chuyên về an toàn thực phẩm, đội ngũ thanh tra, kiểm tra; hệ thống trang thiết bị phải chủ động phân tích được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh và một số hóa chất… Hiện nay, vì không chủ động về nhân lực, trang thiết bị, các địa phương phải phụ thuộc hoàn toàn vào các trung tâm kiểm nghiệm ở khu vực hoặc các thành phố lớn. Do vậy, trong nhiều trường hợp, sau khi có kết quả kiểm nghiệm thì lượng hàng hóa trên đã tiêu thụ hết.
Ngoài việc rà soát lại hệ thống trang thiết bị, Phú Yên phải tập trung đầu tư nguồn lực thực hiện chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm. Sau Chỉ thị 13 của Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tỉnh đã hình thành bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các ngành, các cấp khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, địa phương cần tiếp tục kiện toàn bộ máy hiện có, đồng thời quan tâm phát triển đội ngũ kiểm tra, kiểm soát từ cấp xã, phường, huyện, thị, thành phố phù hợp với tình hình thực tế. Bởi lẽ, đây chính là bộ máy trực tiếp triển khai đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Qua làm việc tại Phú Yên và một số tỉnh thành, chúng tôi nhận thấy hầu hết ở các cấp xã, phường còn thiếu trang thiết bị, con người làm nhiệm vụ quản lý về an toàn thực phẩm đều không có chuyên môn sâu, hiểu biết về pháp luật rất hạn chế. Do vậy, tỉnh cần tập trung đầu tư cho các đối tượng này và có những giải pháp thực tế hơn.
Ở nước ta có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa đạt tỉ trọng xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa tại các hộ sản xuất nhỏ lẻ là bài toán khó đối với các địa phương. Do vậy, tỉnh cần phải tạo môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở kết nối các hợp tác xã, hộ nông dân để sản xuất được nông sản an toàn, có thể truy xuất được nguồn gốc. Sản phẩm làm ra không chỉ đạt tiêu chí xuất khẩu mà cần đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước.
* Xin cảm ơn ông!
NGÔ XUÂN (thực hiện)