Ngày 17/3, tại Nghệ An, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 gắn với tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp; triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận những kết quả ngành Lâm nghiệp đạt được trong thời gian qua, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng; chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và đề nghị ngành Lâm nghiệp cùng các địa phương thực hiện tốt các giải pháp nhằm hoàn thành các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh cần tăng cường quản lý quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa trong huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trên lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển nguồn lực, hợp tác và xúc tiến thương mại trong lĩnh vực lâm nghiệp… Mục tiêu chung được xác định là nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Theo đó, tồn tại nổi lên vẫn là công tác bảo vệ và phát triển rừng, còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch; đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế quốc dân chưa tương xứng với tiềm năng…
Từ những tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu đã đề xuất những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020 đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5-6%/năm; nâng độ che phủ của rừng lên 42%. Tổng vốn thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được cân đối khoảng 59.599 tỉ đồng.
BTV (tổng hợp)