Đó là một trong những biện pháp mà chính quyền huyện Sơn Hòa sẽ thực hiện để tránh tình trạng rừng bị mất thêm, nhất là tại khu vực rừng giàu tài nguyên như rừng đặc dụng Krông Trai.
Nhiều diện tích rừng đặc dụng bị phá
Theo Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa, tổng diện tích có rừng trên địa bàn huyện khoảng 36.620ha. Thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm rẫy diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng vào sâu trong rừng phát luống cây nhỏ, dùng máy cưa hạ cây lớn, rồi đốt, dọn đến đâu trồng keo, sắn, mía… đến đó. Khi đất rừng “biến thành rẫy”, các đối tượng này tiếp tục phát lấn. Một số khu rừng gần dân cư và đất sản xuất nông nghiệp thì tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra càng phức tạp hơn. Tình trạng lấn chiếm đất rừng đặc dụng Krông Trai để làm rẫy tại các tiểu khu 205, 206 giáp với đất sản xuất nông nghiệp thuộc địa bàn xã Ea Chà Rang đang báo động.
Để tìm hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo Phú Yên đã đến tiểu khu 206 thuộc rừng đặc dụng Krông Trai. Tại khu vực bìa rừng, chúng tôi phát hiện có hàng chục xe máy nhưng vào trong lại không thấy người. Tuy nhiên tại đây, chúng tôi chứng kiến một số diện tích rừng vừa bị phát dọn và đang đốt, khói còn nghi ngút. Nhiều cây rừng có đường kính khoảng 20cm vừa bị đốn hạ nhưng “lâm tặc” chưa kịp chuyển đi. Tiếp tục sang tiểu khu 205, nhiều diện tích đất rừng đặc dụng Krông Trai đã “biến thành rẫy” trồng mía, sắn…
Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Krông Trai, cho biết: Rừng đặc dụng này có tổng diện tích khoảng 13.775ha, được phân bố trên phạm vi 6 xã thuộc địa bàn huyện Sơn Hòa gồm Cà Lúi, Ea Chà Rang, Sơn Phước, Suối Bạc, Suối Trai và Krông Pa. Năm 2016, đơn vị đã lập biên bản 4 vụ phá rừng với diện tích vi phạm gần 16.500m+, trong đó tại xã Krông Pa có 2 vụ, xã Ea Chà Rang 2 vụ. BQL rừng đặc dụng Krông Trai đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt cưỡng chế, tạm giữ hoa màu đối với những diện tích rừng bị phá để làm rẫy nhưng không có chủ. Tại các xã Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Phước, đơn vị bảo vệ rừng đã phá bỏ hơn 52.200m2 hoa màu, tạm giữ khoảng 14.000kg củ sắn tươi và khoảng 100kg mè hột tươi.
Xem xét trách nhiệm của chủ rừng
Ông Thái Hồng Tân, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang, cho biết: Hiện nay, giá một số mặt hàng nông, lâm sản như sắn, mía, keo… tăng cao nên việc phá rừng để lấy đất sản xuất diễn ra khá phức tạp. Hơn nữa, hệ thống đường nông thôn miền núi khá thuận lợi cũng đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tiếp cận các khu rừng giàu tài nguyên như rừng đặc dụng Krông Trai để thực hiện hành vi phá rừng. Địa phương đã phối hợp với chủ rừng tăng cường tuyên truyền, tuần tra và xử lý vi phạm, tuy nhiên việc phá rừng vẫn còn phức tạp. Theo ông Phan Văn Đoan, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa, hiện một số chủ rừng chưa làm hết trách nhiệm, nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao nhưng vẫn để xảy ra tình trạng phá rừng mà chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trong khi đó, chính quyền địa phương biết nhưng không có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền. Công tác tuần tra, bảo vệ rừng thời gian qua cũng chưa thường xuyên, việc điều tra truy tìm đối tượng vi phạm chưa kiên quyết và xử lý vi phạm chưa đủ mạnh. Lực lượng kiểm lâm hiện nay quá thiếu so với yêu cầu đặt ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương còn nhiều bất cập…
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Hiện ở Sơn Hòa có khoảng 3.600 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích khoảng 23.000ha. Tuy nhiên, Nhà nước giao đất rừng nhưng không giao trạng thái rừng nên khi rừng bị mất rất khó xác định để xử lý. Thêm vào đó, đến nay, công tác quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) trên địa bàn huyện chưa được triển khai nên khó xác định trạng thái rừng còn ở mức độ nào so với trước đây...
Theo ông Cao Minh Hòa, Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, hiện đa số rừng trên địa bàn huyện đều có chủ nên việc để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng là do quản lý yếu kém, xử lý vi phạm chưa đủ mạnh. Rừng bị phá nhưng không xác định được đối tượng là có vấn đề, cần phải xem lại trách nhiệm của các chủ rừng và đơn vị liên quan. “Thời gian qua, tỉnh và huyện đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản, thậm chí huyện còn ra Nghị quyết 20 về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn chưa ngăn chặn triệt để. Thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Sơn Hòa sẽ tăng cường chỉ đạo với tinh thần xã nào, chủ rừng nào để mất rừng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, ông Hòa nói.
BQL rừng đặc dụng Krông Trai cần phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng lấy đất làm rẫy và sớm có phương án trồng lại rừng. Các chủ rừng trên địa bàn huyện Sơn Hòa tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền và quản lý bảo vệ rừng, không để phát sinh tình trạng phá rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn khu vực giáp ranh.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lương Minh Sơn |
ANH NGỌC - QUỐC TRUNG