Đó là danh hiệu mà Hiệp hội Cựu chiến binh (CCB) Doanh nhân Việt Nam dành tặng CCB Phí Đức Độ, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa. Từ hai bàn tay trắng, ông Độ đã vượt khó vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp cơ khí chuyên sản xuất các loại máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Làm giàu từ những sáng chế
CCB Phí Đức Độ sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, nguyên là lính lái xe bộ đội Trường Sơn. Sau khi xuất ngũ năm 1987, vì đời sống quá khó khăn nên ông quyết định rời quê nhà đưa vợ con vào lập nghiệp ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa. Những năm đầu, gia đình ông phải sống trong căn nhà được dựng tạm ở một góc rừng. Hàng ngày, ông Độ đi lái xe, lái máy cày thuê để kiếm tiền lo cho 6 miệng ăn. Năm 2004, thấy nông dân ở Sơn Nguyên đầu tư trồng mía nhưng không có máy móc phục vụ sản xuất, ông quyết định dùng số tiền tích góp của gia đình và vay mượn thêm mở xưởng cơ khí, chuyên sản xuất máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, sau 13 năm ra đời, xưởng cơ khí mang tên Thành Đạt của gia đình ông Độ đã khẳng định vị trí trên thương trường, được nông dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, tiền lãi thu qua sản xuất của xưởng cơ khí đạt từ 700- 800 triệu đồng. Điều đáng ghi nhận là hầu hết các loại máy móc, nông cụ tại xưởng đều do chính ông Độ cùng con trai “sáng chế” và sản xuất. Nhiều loại máy, dụng cụ có tính ứng dụng cao, phục vụ hiệu quả cho việc trồng mía và các loại nông sản khác như: máy trồng mía; máy làm cỏ, bón phân; lưỡi cày cải tiến… “Những năm tháng trên đường Trường Sơn đã rèn luyện cho tôi tính độc lập, tự nghiên cứu và tích lũy cho tôi khá nhiều kinh nghiệm trong công việc sáng chế ra các loại máy móc này. Hiện tất cả các loại máy của xưởng cơ khí Thành Đạt đều bắt nguồn từ thực tiễn lao động sản xuất”, ông Độ cho biết.
“Đứa con đầu lòng” của xưởng Thành Đạt là chiếc cày sắt bò kéo, mang ký hiệu K-204. Ưu điểm của chiếc cày này là nhẹ, vỡ đất không dính, các bộ phận dễ dàng lắp ráp, tháo rời. Từ thành công của chiếc máy ban đầu, ông tiếp tục nghiên cứu sản xuất máy trồng mía bán tự động, tự bón phân và tự lấp hàng. Máy này có các chức năng vượt trội hơn máy của Thái Lan như chỉnh thẳng hàng và điều chỉnh khoảng cách các hàng theo ý người trồng, thuận lợi cho việc làm cỏ và bón phân nhưng giá thành thấp hơn 30 triệu đồng. Ông Đỗ Hương Quý ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), hiện sử dụng máy trồng mía của xưởng cơ khí Thành Đạt, cho biết: “Nếu trồng 1ha mía bằng phương pháp thủ công sẽ tốn 2,7 triệu đồng. Trong khi đó, trồng bằng máy của ông Độ chỉ tốn 1,5 triệu đồng/ha”.
Cũng từ việc sản xuất máy móc, ông Độ đã chế tạo thành công máy băm lá mía để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tình trạng đốt mía, đồng thời giữ ẩm và làm đất trở nên tơi xốp hơn. Sau vài vụ mía, nhận thấy cách làm của gia đình ông Độ mang lại hiệu quả cao, cả thôn Nguyên An đều làm theo và giờ cách làm này lan rộng ra nhiều địa phương khác.
Tích cực tham gia hoạt động xã hội
Đi qua cuộc chiến, rồi lập nghiệp ở vùng đất mới, CCB Phí Đức Độ luôn cảm thấy mắc nợ vùng đất đã dang rộng vòng tay đón và cho cả gia đình ông cuộc sống ấm no. Vì vậy, không chỉ lo làm ăn phát triển kinh tế, ông Độ còn là một CCB năng nổ làm công tác Hội. Với vai trò là thành viên Ban Chấp hành Hội CCB xã Sơn Nguyên, ông Độ luôn gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của hội viên để có giải pháp giúp đỡ. Là Phó Trưởng thôn Nguyên An, ông Độ xông xáo làm công tác hòa giải khi xóm làng có mâu thuẫn; những vụ bạo hành gia đình, những vụ tranh chấp đường sá đều được ông dùng lời hơn lẽ thiệt để phân giải nên ai cũng nghe theo. Là thành viên Hội Người cao tuổi của xã, ông là cây văn nghệ luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động.
Ngoài công việc kinh doanh ở xưởng cơ khí, vợ chồng ông Độ còn làm thêm đậu miếng bỏ sỉ ở các chợ. Đã 6 năm, vào thứ ba mỗi tuần, ông Độ trích một phần lợi nhuận từ việc làm đậu quyên góp cho nhóm thiện nguyện nấu cơm từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Nguyên Nguyễn Thị Hoa, những đóng góp của ông Phí Đức Độ rất đáng quý. Những khi Hội tổ chức các hoạt động, ông đều tham gia rất năng nổ. Còn khi bà con trong thôn, xã gặp khó khăn, ông Độ luôn động viên tinh thần cũng như chia sẻ về vật chất… nên được mọi người tín nhiệm, tin yêu.
KHÁNH VY