Phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được phân bổ đợt 1/2017 ngay trong quý I năm nay là mục tiêu mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Phú Yên đang quyết liệt thực hiện.
Để hoàn thành mục tiêu nói trên, ngay sau khi được Trung ương phân bổ 118 tỉ đồng vốn kế hoạch đợt 1/2017, NHCSXH Phú Yên đã giao chỉ tiêu cho các phòng giao dịch và yêu cầu các đơn vị này tích cực giải ngân cho đối tượng vay.
Giúp người dân khôi phục sản xuất
Nhận được 30 triệu đồng vốn cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vừa được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Hòa giải ngân, bà Nguyễn Thị Mười ở buôn Khăm, xã Krông Pa, đã liên hệ với thương lái để mua bò giống về nuôi. Bà Mười cho biết: Trước đây, tôi cũng vay nguồn vốn này được 30 triệu đồng để đầu tư nuôi bò. Khi sắp đến hạn, không muốn bị “cụt” vốn nên tôi đã bán bớt bò, dồn tiền trả nợ ngân hàng rồi làm hồ sơ vay mới. Hiện gia đình tôi còn hai con bò nhưng tôi vẫn muốn dùng tiền vay mua thêm để chăn nuôi kiếm lời.
Cũng mới được NHCSXH Phú Yên giải ngân 20 triệu đồng vốn cho vay hộ mới thoát nghèo từ tháng 2/2017, bà Nguyễn Thị Kim Cúc ở thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, đã dùng một phần số tiền này để mua 1 con bò nhỏ về nuôi, còn lại thì mua giống rau màu để trồng vụ mới. Theo bà Cúc, năm 2016, gia đình bà trồng 3 sào hoa lay ơn, 2 sào ngoài soi, 1 sào trong ruộng nhưng đợt lũ cuối năm đã cuốn trôi đi bao công sức, tiền bạc đổ vào đó. Đám ngoài soi mất trắng, phần trong ruộng thì còn vớt vát được chút ít nhưng không đáng kể. Sau đó, nhà bà trồng lại các loại rau màu như xà lách, hành, ngò... để bán nhưng giá quá rẻ nên gia đình lâm vào cảnh túng bấn. “Mới đây, được ngân hàng giải ngân vốn kịp thời, chúng tôi mừng lắm. Nhờ số vốn này, gia đình mới có tiền mua giống rau màu tái sản xuất, kiếm đồng ra đồng vô hàng ngày. Còn bò thì để nuôi lâu dài chứ không thể sinh lời ngay”, bà Cúc tâm sự.
Không riêng bà Cúc mà nhiều hộ dân khác ở xã Bình Ngọc cùng nhận vốn đợt vừa rồi cũng “chia sẻ” số tiền mới nhận được để đầu tư như vậy. Trường hợp gia đình anh Lê Công Hoan ở thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc, là một điển hình. Anh Hoan cho hay: Năm vừa rồi, gia đình tôi trồng 2 sào hoa lay ơn ngoài soi để bán tết nhưng hoa chưa kịp lớn thì đã bị nước lũ làm trốc gốc, mất trắng; thiệt hại gần 20 triệu đồng. Đợt này, vay được 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, tôi dành một nửa để mua bò về nuôi, một nửa để mua củ giống hoa lay ơn chuẩn bị cho vụ trồng vào cuối năm nay. Theo anh Hoan, vì đợt lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề, gia đình anh không có vốn tái sản sản xuất nên đành phải làm hồ sơ vay vốn chính sách. Anh đã tính toán số tiền vay để làm sao vừa có đủ vốn làm ăn, vừa có thể trả được nợ. “Lần đầu tiên vay vốn, tôi muốn trả đúng, trả đủ, tạo uy tín để sau này khó khăn, ngân hàng còn xem xét cho vay lại. Làm nông, phụ thuộc vào thời tiết nên rủi ro đến bất ngờ, chúng tôi không biết đâu mà lường”, anh Hoan nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, vay 20 triệu đồng vốn cho vay hộ mới thoát nghèo để mua bò về nuôi - Ảnh: LÊ HẢO |
Quyết liệt thực hiện kế hoạch tín dụng
Theo NHCSXH Phú Yên, trong đợt 1/2017, ngân hàng này được Trung ương phân bổ vốn kế hoạch 118 tỉ đồng; trong đó, vốn cho vay hộ nghèo 8 tỉ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 60 tỉ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 20 tỉ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 30 tỉ đồng. Ngoài ra, ngay từ đầu năm, NHCSXH Phú Yên cũng nhận ủy thác 5 tỉ đồng từ vốn ngân sách tỉnh để cho người dân trên địa bàn vay giải quyết việc làm. Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc ngân hàng này, cho biết: Với nguồn vốn của Trung ương, chúng tôi yêu cầu các phòng giao dịch huyện, thị xã khẩn trương giải ngân theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2017 để có cơ sở đề nghị NHCSXH Việt Nam tiếp tục phân bổ vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vay vốn. Đợt này, trong số những hộ vay thuộc đối tượng được vay vốn chính sách, chúng tôi ưu tiên giải ngân vốn cho các hộ nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vào cuối năm 2016 để các hộ này có điều kiện ổn định, khôi phục việc sản xuất, kinh doanh. Riêng nguồn vốn thu hồi của các chương trình, các phòng giao dịch huyện, thị xã được phép cho vay lại theo quy định. Còn đối với vốn địa phương được ủy thác, NHCSXH Phú Yên cũng yêu cầu các phòng giao dịch kịp thời giải ngân để đáp ứng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân.
Theo ông Thục, từ nay đến cuối năm, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ trên 8%, NHCSXH Phú Yên sẽ chủ động giải ngân kịp thời các nguồn vốn cho vay đúng đối tượng; theo dõi, điều hành chỉ tiêu kế hoạch linh hoạt, tránh để tồn đọng vốn. Ngân hàng cũng tập trung nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững; thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình nợ quá hạn, phối hợp với chính quyền địa phương áp dụng các giải pháp xử lý thu hồi phù hợp; thực hiện tốt công tác thu lãi, thu nợ đến hạn...
LÊ HẢO