Chợ mới của xã Hòa Đồng được đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng hệ thống thoát nước không phát huy tác dụng, rác thải gây ô nhiễm môi trường… ảnh hưởng đến việc mua bán của tiểu thương và cuộc sống của các hộ dân sống xung quanh.
Nhiều bất cập
Theo UBND xã Hòa Đồng, chợ Hòa Đồng được xây từ năm 2015 với kinh phí 3,8 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, chợ được giao cho DNTN Huỳnh Quỳnh Anh quản lý và khai thác với giá trúng thầu là 85 triệu đồng/năm. Chợ chính thức hoạt động vào đầu tháng 11/2016, gồm hai khu ngoài trời và trong nhà, với tất cả gần 70 gian hàng. Mặc dù mới hoạt động nhưng chợ này đã phát sinh nhiều bất cập như hệ thống thoát nước không hợp lý làm nước ứ đọng, gây mùi hôi và phát sinh ruồi, muỗi. Một số hạng mục công trình của chợ chưa hoàn thiện như: giếng khoan không hoạt động được, nhà vệ sinh thường xuyên bị khóa cửa; khu tập kết và xử lý rác không đúng quy định. Chợ mới bàn giao nhưng nhiều nắp đậy rãnh thoát nước đã bị nứt, gây nguy hiểm cho người qua lại…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, một tiểu thương bán thức ăn ở chợ này, bức xúc: Trước hàng thức ăn của tôi là đường cống thoát nước của chợ. Tại đây, vào ngày nắng thì ống cống đọng nước, sinh ruồi muỗi và mùi hôi rất khó chịu. Còn ngày mưa thì nước không thoát được, chảy lênh láng khiến việc buôn bán khó khăn. Mặt khác, chợ Hòa Đồng dù đã có nhà vệ sinh, giếng nước nhưng không hoạt động cũng gây khó khăn cho tiểu thương. Những hàng thường xuyên sử dụng nước như hàng cá thịt, thức ăn… phải vào nhà dân quanh chợ xin nước dùng. Ngoài ra, tiền điện đóng cho đơn vị quản lý chợ cũng bất hợp lý với 3.500 đồng/kWh, và ban quản lý chợ yêu cầu mỗi hộ phải đóng thêm 10.000 đồng nữa vì điện hao tải thì quá bất hợp lý.
Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều hộ sống xung quanh chợ, tình trạng ô nhiễm tại đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Bà Nguyễn Thị Hằng có nhà đối diện chợ, nói: Trước mặt nhà tôi có một khu đất trống, nhiều tiểu thương và người dân thường đem rác thải ra bỏ ở đây nên biến khu vực này thành bãi rác thứ hai của chợ. Rác thải chủ yếu là túi ni lông bẩn nên mỗi khi có gió, chúng bay khắp nơi, kéo theo ruồi nhặng gây ô nhiễm môi trường. Các hộ dân sống quanh đây lo lắng nếu tình trạng này kéo dài sẽ phát sinh mầm dịch bệnh vào mùa nắng nóng.
Đơn vị quản lý kêu khó
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc DNTN Huỳnh Quỳnh Anh, đơn vị tiếp nhận quản lý và khai thác chợ từ đầu tháng 11/2016. Do chợ mới đi vào hoạt động nên vẫn còn một số bất cập như vấn đề vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt, khu vệ sinh… chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong thiết kế, chợ Hòa Đồng có 1 giếng nước nhưng giếng này đã bị nhiễm phèn nặng, dẫn đến việc đóng cửa nhà vệ sinh do không có nước. Ban Quản lý chợ đã đề xuất địa phương tìm một vị trí khác đào giếng để phục vụ tiểu thương. Việc rác thải phát sinh phía sau chợ là do một số tiểu thương và người dân thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi. Ban Quản lý chợ đã nhắc nhở và cho dọn dẹp khu vực này, đồng thời tổ chức lực lượng thu gom, tập kết rác về bãi rác của chợ. Riêng hệ thống xử lý nước thải của chợ thực sự là một khó khăn cho doanh nghiệp. Theo thiết kế, hệ thống thoát nước được xây dựng hoàn chỉnh; nước bẩn và nước mưa từ chợ được thu gom về 1 hầm chứa có diện tích 30m3. Nhưng hầm chứa này không có đường thoát, trong khi lớp đất phía dưới là đất sét nên nước không rút được. Do vậy, hầm chứa luôn bị ứ nước. Mỗi khi trời mưa là nước lại tràn lên mặt đất. Đây cũng là nơi sinh ra ruồi muỗi và gây mùi hôi quanh chợ. Hiện chợ mới hoạt động chưa lâu, kinh phí thu được chưa nhiều nên Ban Quản lý chợ chưa thể làm thêm hầm chứa nước thải. Về lâu dài, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nước thải ứ đọng để không ảnh hưởng đến hoạt động của các tiểu thương trong chợ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Bá Đạt, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, cho biết: Địa phương đã tiếp nhận phản ánh của người dân và ban quản lý chợ về một số bất cập tại chợ mới. Địa phương đã chỉ đạo ban quản lý chợ dọn dẹp bãi rác phát sinh, tổ chức lại việc tập kết rác thải đúng nơi quy định. Đồng thời chỉ đạo cho trạm y tế phun thuốc khử trùng để diệt trừ bọ gậy, ruồi, muỗi quanh khu vực chợ tránh dịch bệnh phát sinh. Tuy nhiên, đó chỉ là hướng khắc phục tạm thời. Về lâu dài, việc xử lý hầm nước thải của chợ Hòa Đồng là một khó khăn vượt ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Vì khu vực quanh chợ này đều là đất sét nên nước thải dồn về không thể ngấm hay thoát đi đâu được. Nếu cho nước thải trực tiếp ra ruộng thì gây ô nhiễm môi trường, còn xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì kinh phí quá lớn. Địa phương đang kiến nghị UBND huyện Tây Hòa và các ngành chức năng chỉ đạo hướng xử lý phù hợp.
NGÔ XUÂN - KIM THÚY