Vụ đông xuân năm nay, do có nhiều diện tích gieo sạ muộn nên việc điều tiết nước cũng như phòng trừ sâu bệnh hại gặp nhiều khó khăn. Nông dân đang rất lo lắng vì lúa sẽ bị ảnh hưởng, giảm năng suất.
Chênh lệch thời gian gieo sạ
Theo ThS Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, nông dân toàn tỉnh gieo sạ được 26.500 ha. Trà sớm với diện tích 1.335ha đang bước vào giai đoạn trổ, chín sáp. Trà chính vụ gieo sạ với diện tích 15.834,4ha đang giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng. Trà muộn với diện tích 9.330ha. Trong thời gian đến, nông dân cần tổ chức diệt chuột; đặc biệt quan tâm theo dõi rầy nâu, rầy lưng trắng vào bẫy đèn. Nông dân nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng trên những chân ruộng sạ giống nhiễm và vùng sạ dày. |
Tại các cánh đồng xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), các trà lúa vừa gieo sạ chưa quá 10 ngày tuổi, còn trà lúa sạ sớm đã gần trổ đòng. Những người có ruộng gieo sạ muộn đang rất lo lắng. Nông dân Phạm Văn Tính ở xã Hòa Xuân Đông, than vãn: Từ trước tới giờ, chưa năm nào lúa gieo sạ muộn như năm nay. Đến nay, lúa nhà tôi vừa mới ra lá non. Còn những đám sạ đợt đầu không bị hư hại thì nay đã trên 2 tháng tuổi rồi.
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho hay: Vụ đông xuân năm nay, nông dân trong huyện gieo sạ 4.660/4.700ha, trong đó có 503ha bị ngập úng; vừa gieo sạ lại. Việc gieo sạ lại nhiều lần làm cho thời gian sinh trưởng cây lúa không đồng đều, khó khăn trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại cũng như điều tiết nước tưới.
Tại cánh đồng Màng Màng, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), nhiều diện tích lúa đông xuân mới sạ được một tuần. Năm trước, thời điểm này, lúa đã giai đoạn ôm đòng. Ông Bùi Văn Mạnh đang thăm ruộng, cho hay: Tôi làm ruộng ở đây trên 10 năm, nhưng năm nay mới thấy bước qua tháng 3 mà lúa mới sạ xong, năm trước, giai đoạn này, lúa đã thúc phân đợt cuối. Thời tiết quá bất thường, nông dân ở đây cố gắng để ruộng không bỏ hoang. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Kiến 2 Nguyễn Đồng Minh, Màng Màng là cánh đồng cuối kênh lại nằm trong vùng trũng thuộc diện tưới của hệ thống Thủy nông Đồng Cam. Việc sạ muộn làm nông dân lo ngại khâu tưới tiêu về sau, thời kỳ lúa trổ đòng. Hiện các cánh đồng ở Hòa Trị, Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), lúa trà đầu “ăn” nước của hệ thống Thủy nông Đồng Cam đã được gần 2 tháng tuổi. Nếu thời điểm lúa trên đó chín, nông dân cản nước để thu hoạch lúa thì lúc đó lúa vùng này còn xanh sẽ chết khô.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa
Dọc theo các cánh đồng thôn Tân Hòa, Tân Long thuộc xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), lúa vừa gieo sạ, bờ ruộng còn bê bết bùn đất, trong khi đó những đám ruộng cao liền kề thì lúa đang đẻ nhánh rộ. Nông dân Phan Thanh Long ở thôn Tân Hòa, cho rằng: Khi thu hoạch những diện tích trà sớm, chuột sẽ tràn xuống cánh đồng trũng cắn nát lúa. Còn theo ông Lê Mến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam, trong vụ này, những trà sớm sẽ được thu hoạch vào đầu tháng 4, những trà muộn thu hoạch cuối tháng 5, như vậy trạm bơm phục vụ một vụ lúa kéo dài 5 tháng, chứ không phải 3 tháng như trước kia. UBND xã đã làm việc với HTX nông nghiệp để các trạm bơm điện Tân Hòa, Tân Long của xã hoạt động xuyên suốt vụ; đồng thời vận động nhân dân diệt chuột để tránh thiệt hại.
Tại huyện Tuy An, nông dân chỉ gieo sạ được 250ha trong tổng số hơn 300ha lúa bị hư hại, phải gieo sạ lại nhiều lần. Chỉ tính riêng tại thị trấn Chí Thạnh, cánh đồng nằm hai bên đường quốc lộ 1, thuộc khu phố Long Bình, cây lúa mới được 5-7 ngày tuổi, còn những diện tích ở khu vực khu phố Chí Đức thì lúa đang trổ đòng. Do vậy, việc điều tiết nước cũng như phòng sâu bệnh hại trên cây lúa gặp không ít khó khăn. Bà Trần Thị Nghĩa ở thị trấn Chí Thạnh, cho hay: Tôi vừa xả khô nước cho mầm lúa phát triển thì ruộng bốn phía kề bên nước tràn bờ chảy qua. Sạ xong tôi phải túc trực tát nước 5 ngày liền để chống ngập cho ruộng. Còn nông dân Đinh Văn Long ở khu phố Chí Đức thì cho rằng, trên cùng một cánh đồng chỉ cách nhau một con mương nhưng bên kia lúa đã gần làm đòng còn bên này mới gieo sạ. Sự chênh lệch về thời gian sẽ làm lúa trà sớm khi chín rộ nhưng trạm bơm vẫn hoạt động để cấp nước cho những trà muộn thì ruộng ngập nước không thể thu hoạch bằng máy được, phải thu hoạch thủ công, chí phí tăng cao.
Ông Cao Văn Tiên, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Trước tình hình nhiều diện tích lúa đông xuân có sự chênh lệch lớn về thời gian do phải sạ đi sạ lại nhiều lần gây khó khăn trong khâu điều tiết nước tưới về sau, UBND huyện Tuy An đã yêu cầu 16 xã, thị trấn tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, thoát nước phù hợp trên từng chân ruộng, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả các tác nhân gây hại.
LÊ TRÂM