Thứ Sáu, 29/11/2024 05:49 SA
Xây dựng thương hiệu cho nông sản: Hợp tác xã cần được hỗ trợ
Thứ Ba, 07/03/2017 14:00 CH

Cũng như các sản phẩm nông sản khác, dưa hấu phường 5 rất cần được hỗ trợ để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho các hộ dân - Ảnh: MINH DUYÊN

Tại các HTX, việc sản xuất sản phẩm nông sản truyền thống như dâu tằm, dưa hấu, bánh tráng, rau an toàn, chăn nuôi chim cút… đã duy trì cả chục năm nay. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn do hộ thành viên HTX tự tiêu thụ nhỏ lẻ nên thu nhập chưa tương xứng với giá trị. Thời gian tới, để nâng cao giá trị của các sản phẩm này, các HTX rất cần sự hỗ trợ nhằm tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu hàng hóa độc quyền.

 

Những sản phẩm tạo dấu ấn

 

Từ năm 1995 đến nay, các hộ thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) đã phát triển mô hình nuôi chim cút theo chuỗi. Các loại cút giống, cút thịt, trứng cút của HTX này không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành khác. Ông Nguyễn Ngọc, Giám đốc HTX này, cho biết: Từ 15 hộ nuôi chim cút ban đầu, đến nay, HTX đã có hơn 300 hộ. Những hộ nuôi đảm nhận các khâu từ ấp trứng bán giống đến cung cấp trứng lộn, trứng thường và thịt cút. Mỗi thôn đều có một hộ thu mua toàn bộ sản phẩm bán cho các thương lái cũng như thực hiện cung cấp cám, con giống cho bà con. Từng hộ nuôi đều có chuồng trại được xây dựng kiên cố với hệ thống điện, nước cùng các loại máy ấp trứng, máy nhổ lông… Hiện, mỗi hộ nuôi chim cút có thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm.

 

Làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) có hơn 35 năm phát triển. Ngoài kén tằm thì rượu tằm Hòa Phong cũng đang được biết tới là sản phẩm nông sản đặc trưng của một miền quê nằm ven sông Ba. Theo ông Lê Ngọc Cửu, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, đơn vị này đang quản lý 22,5ha cây dâu của hơn 50 hộ thành viên. Trước đây, bà con mạnh ai nấy làm, tự mua con giống, trồng cây rồi lấy kén bán nên nhiều khi bị ép giá. 5 năm trở lại đây, HTX liên kết với Công ty Dâu tằm tơ Lâm Đồng để bao tiêu sản phẩm và cung cấp trứng tằm đảm bảo chất lượng cho bà con. Nhờ vậy, hiện mỗi sào dâu, bà con thu nhập hơn 2 triệu đồng. Cùng với kén tằm, người dân địa phương đã sử dụng nhộng tằm làm rượu tằm. Tại các hội chợ thương mại của tỉnh, loại rượu này đã trở thành đặc sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Còn sản phẩm bánh tráng Hòa Đa, ông Nguyễn Hai, Tổ trưởng tổ hợp tác bánh tráng Hòa Đa (huyện Tuy An), cho hay: Làng nghề này có 375 hộ tham gia sản xuất với 361 lò bánh thủ công và 14 lò bánh tráng máy. Bình quân mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ được 2-3 tấn thành phẩm, trong đó 2/3 số bánh được chuyển ra tỉnh ngoài. Bánh tráng Hòa Đa đang là thương hiệu được nhiều người dân trong cả nước biết đến.

 

Đối với rau an toàn của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), năm 2011, Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 3 (thuộc Bộ NN-PTNT) đã cấp giấy chứng nhận mô hình trồng rau VietGAP cho 9 loại rau ăn lá của đơn vị này. Ngoài ra, 20ha trồng rau khác của HTX này cũng được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cấp giấy chứng nhận rau an toàn.

 

Xây dựng thương hiệu

 

Đến nay, 5 sản phẩm nông sản nổi tiếng gắn với thương hiệu của các HTX, tổ hợp tác là dưa hấu phường 5, rau Bình Ngọc, bánh tráng Hòa Đa, dâu tằm Hòa Phong, chim cút Hòa Hiệp Bắc. Các sản phẩm này có mặt trên thị trường nhờ được khách hàng tin dùng về chất lượng chứ chưa được đầu tư xây dựng thương hiệu bài bản. Theo Liên minh HTX tỉnh, mặc dù chất lượng của các sản phẩm này đã được người tiêu dùng khẳng định nhưng đến nay vẫn vắng bóng trong các siêu thị, các trung tâm thương mại, nhà hàng cao cấp hay xuất khẩu. Nguyên nhân do các sản phẩm này đều chưa được cấp nhãn hiệu, mã vạch hàng hóa độc quyền. Trong 5 sản phẩm trên chỉ có bánh tráng Hòa Đa được cấp nhãn hiệu độc quyền, nhưng chưa có mã vạch hàng hóa nên việc hòa nhập thị trường lớn cũng gặp khó. Còn rau an toàn Bình Ngọc góp mặt ở Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa với số lượng rất hạn chế, chỉ được 7kg/ngày.

 

Không có nguồn tiêu thụ ổn định khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản cho các HTX rơi vào tình trạng “đứt gánh giữa đường”. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc, năm 2014, các hộ trồng rau ở đây không còn làm theo mô hình VietGAP, vì chi phí cao mà chỉ tiêu thụ ở các chợ với giá như rau bình thường nên thu nhập không cao. “Mặc dù HTX đã ký hợp đồng với Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa để cung cấp rau cho siêu thị nhưng do HTX không có kinh phí để xây dựng nhà sơ chế, đăng ký mã vạch, nhãn hiệu, lô gô và đóng gói cho rau nên siêu thị khó tiếp nhận. Hiện người dân tuy không sản xuất theo chuẩn VietGAP nhưng nhờ học được quy trình kỹ thuật nên rau Bình Ngọc vẫn được cho là rau an toàn và được người dân trong và ngoài tỉnh đón nhận”, ông Anh nói.

 

Hiện các HTX vẫn đang tìm cách xây dựng cho được thương hiệu nông sản HTX. Theo ông Nguyễn Ngọc, HTX đang nỗ lực để sản phẩm từ chăn nuôi chim cút của thành viên HTX được đóng gói với lô gô, mã vạch riêng và trở thành hàng hóa trong hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh. HTX đã quy hoạch hơn 200ha diện tích do HTX quản lý làm khu chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ chim cút của các hộ thành viên. Trước mắt, HTX giúp cải thiện môi trường sống khi đưa các trại nuôi nằm rải rác trong khu dân cư ra một khu riêng cũng như tăng khả năng kết nối các hộ cùng nghề. Tuy nhiên, để hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu chăn nuôi này cũng như mở rộng liên kết với các doanh nghiệp thì đơn vị rất cần sự hỗ trợ về vốn và công nghệ.

 

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Đơn vị đang cùng các HTX xây dựng mô hình liên kết tạo nên chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Liên minh HTX đã phối hợp với các sở KH-CN, Công thương trong việc cấp thương hiệu độc quyền và mã vạch hàng hóa cho sản phẩm nông sản của HTX. Đơn vị còn tích cực cùng Sở KH-ĐT thực hiện đề án để các HTX được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về đất đai theo Quyết định 62 và Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó sẽ khuyến khích các HTX hình thành cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, đơn vị.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek