Thứ Năm, 31/10/2024 18:22 CH
Công trình nâng cấp đê bao ngăn mặn xã An Cư (Tuy An):
Đầu tư tiền tỉ nhưng chưa hiệu quả
Chủ Nhật, 05/03/2017 09:34 SA

Sau khi công trình đê bao ngăn mặn xã An Cư được nâng cấp, người dân địa phương cho rằng hệ thống tấm chắn các khẩu đập trên đê bao chưa được bố trí phù hợp - Ảnh: LÊ HẢO

Công trình nâng cấp đê bao ngăn mặn xã An Cư, huyện Tuy An (giai đoạn 1) được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2016. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình này chưa phát huy hiệu quả ngăn mặn, thoát lũ, khiến việc sản xuất của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn.

 

Đập bê tông không bằng đập đất

 

Đê bao ngăn mặn xã An Cư dài 1,6km, rộng từ 3-5m, cao từ 0,5-1,5m; điểm đầu tiếp giáp với đường bê tông liên xã phía tây An Cư đi cầu Long Phú, điểm cuối tiếp giáp với đường liên xã phía đông An Cư. Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, cho biết: Tuyến đê này được xây dựng từ năm 2004, có nhiệm vụ ngăn mặn, đồng thời giữ nước ngọt để tưới tiêu cho khoảng 150ha lúa 2 vụ của xã. Ngoài ra, tuyến đê còn là đường nội đồng, giúp người dân đi lại thuận lợi. Sau một thời gian dài sử dụng, do tác động của triều cường, mưa lũ, nhiều vị trí trên đê đã bị xói lở, xuống cấp. Trước tình hình này, năm 2016, UBND huyện Tuy An đã đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng để nâng cấp công trình; trong đó, giai đoạn 1 gồm các hạng mục kiên cố 100m tuyến đê cùng 3 cụm điều tiết bằng bê tông.

 

Tuy nhiên, theo nhiều người dân địa phương, sau khi được đưa vào sử dụng, công trình không phát huy hiệu quả như mong muốn. Ông Nguyễn Đức Hiền ở thôn Tân Long, xã An Cư, cho hay: Sau khi nâng cấp, đáy đập cao hơn đáy sông gần 1m; khi nước đầu nguồn đổ về ồ ạt, thoát không kịp đã tràn vào đồng ruộng. Bên cạnh đó, vì tấm chắn các khẩu đập thấp hơn mặt đập hiện hành nên khi nước triều lên cao hơn ngưỡng chắn, nước mặn vẫn xâm nhập vào đồng ruộng. Chưa kể, đáng ra các tấm chắn phải nằm ở phía biển để ngăn nước mặn xâm nhập vào thì đơn vị thiết kế lại bố trí ở phía đồng khiến những người quản lý gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi đóng các tấm chắn này.

 

Còn theo ông Huỳnh Đức Bảy cũng ở thôn Tân Long, trước kia đập này là đập bổi, đắp đất thô sơ nhưng phát huy hiệu quả ngăn mặn, thoát lũ rất tốt. Vì đáy đập ngang bằng đáy sông, nước lên nhanh thì rút cũng nhanh; còn ở các khẩu thì được đóng cọc tre, nước dâng phía nào, người dân căng bạt chắn phía đó nên nước mặn khó xâm nhập vào đồng ruộng. Nay, mặc dù đập được bê tông vững chắc nhưng phần thiết kế có nhiều chỗ chưa hợp lý khiến đập không còn phát huy tác dụng như trước.

 

“Trên thực tế, từ khi đập được đưa vào sử dụng, mỗi khi triều dâng cao quá ngưỡng chắn của đập thì nước mặn tràn vào đồng ruộng, gây ngập úng, xâm nhập mặn, dẫn đến việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Do đó, cuối tháng 2 vừa qua, UBND xã An Cư phải khắc phục bằng cách bổ sung thêm ván chắn các khẩu đập; đổ đất, đá bồi đắp cho những đoạn đê bao bị sạt lở; đồng thời làm hệ thống quay của hai lạch xả cát với tổng kinh phí hơn 56 triệu đồng”, ông Tiếu Văn Cừ cho biết.

 

Vị trí đặt giàn van là phù hợp?

 

Theo Công ty TNHH Tư vấn xây dựng S&P - đơn vị thiết kế công trình nâng cấp đê bao ngăn mặn tại xã An Cư thì nhiệm vụ của công trình này là ngăn mặn; giữ nước ngọt vào mùa kiệt và thoát lũ vào mùa mưa; đồng thời tạo thuận lợi cho giao thông nội đồng.

 

Sau khi đập hoàn thành, mục tiêu thứ 3 đã phát huy hiệu quả. Riêng đối với mục tiêu thứ 2, vì tần suất dòng chảy từ thượng lưu (phía đồng) xuống thường xuyên và lớn hơn rất nhiều so với thời gian và mực nước mặn xâm nhập từ hạ lưu (phía biển) nên phải đặt giàn van ở phía đồng. Tuy nhiên, tại một số thời điểm nhất định, dòng chảy ngọt từ thượng lưu xuống ít, dòng xâm nhập mặn lại có vận tốc lớn hơn; khi đó, giàn van phía đồng có xu hướng bị đẩy ngược dẫn đến rung động và tạo khe hở nhỏ nên không thể ngăn mặn triệt để.

 

Ông Vũ Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng S&P, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ một số công trình có chức năng tương tự, chúng tôi đã thiết kế sẵn khe van ngay sau giàn van phía đồng, ở trong thân đập để hỗ trợ việc ngăn mặn. Ngoài ra, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng S&P cũng kiến nghị với đơn vị quản lý vận hành trong thời gian tới cần sử dụng biện pháp điều tiết dự phòng thông qua các khe van đã thiết kế sẵn nhưng phải đảm bảo an toàn cho những người quản lý vì thời gian lắp, thả từng tấm van chậm, họ có thể không kịp di chuyển khi lượng nước lũ xuống”. Theo ông Phong, trong quá trình thực hiện, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng S&P đã cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng vẫn không tránh khỏi những hạn chế. Để công trình có thể phát huy hiệu quả, đơn vị thiết kế kiến nghị huyện Tuy An cần tiếp tục đầu tư kiên cố 1,5km còn lại của tuyến đê.

 

LÊ HẢO - HOÀI TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek