Thứ Sáu, 01/11/2024 00:25 SA
Đê Ngự Hàm Thủy (xã An Ninh Đông, Tuy An): Chưa xây kiên cố, dân chưa an tâm
Thứ Tư, 01/03/2017 13:00 CH

Đoạn đê Ngự Hàm Thủy đã được sửa chữa tạm thời sau khi bị bứt nhưng hiện nước mặn vẫn có thể ngấm qua chân đê - Ảnh: VIỆT AN

Trong đợt mưa lũ cuối năm 2016, nước lớn kết hợp triều cường đã làm bứt một đoạn tuyến đê Ngự Hàm Thủy (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An). Đến nay, mặc dù công trình này đã được sửa chữa nhưng theo người dân địa phương, hiện nước vẫn có thể ngấm qua chân đê, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập mặn đồng ruộng.

 

Người trồng lúa, nuôi tôm bị thiệt hại

 

Khi tuyến đê Ngự Hàm Thủy bị bứt, không chỉ gây khó khăn cho việc trồng lúa, nuôi tôm, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân khi tham gia lưu thông qua đây. Theo UBND xã An Ninh Đông, vào khoảng 20 giờ ngày 13/11/2016, sau khi đê bị bứt, anh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1991, ở thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây lưu thông trên tuyến đê này bằng xe máy theo hướng tây đông, khi đến khu vực đang bị hư hỏng, do không làm chủ tốc độ, anh Hải đã té xuống hố sâu, tử vong.

Đợt mưa lũ cuối năm 2016 vừa qua, tại khu vực thôn Phú Hội (xã An Ninh Đông), nước lớn từ đầu nguồn đổ về kết hợp triều cường dâng cao đã làm bứt hơn 25m chiều dài, cuốn trôi 540m3 đất, đá của tuyến đê Ngự Hàm Thủy, khiến nước mặn ồ ạt xâm nhập vào đồng ruộng.

 

Ông Nguyễn Trinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông An Ninh (xã An Ninh Đông), cho biết: Ngay khi sự việc xảy ra, HTX đã báo Phòng Nông nghiệp huyện, đồng thời cử người đến tận nơi để kiểm tra. Mặc dù lâu nay, HTX vẫn dự trữ một ít đất, đá để hộ đê những lúc đê xảy ra sự cố nhưng lúc đó, mưa to gió lớn nên chúng tôi không làm gì được. Khi nước lũ và triều cường kết hợp phá đê, nước tràn ồ ạt vào trong. May sao, thời điểm đó, lúa trên đồng đã được thu hoạch xong nên ít bị ảnh hưởng. Riêng đối với những hộ có hồ nuôi tôm ở hai bên bờ đê, dù hầu hết người dân chưa kịp thả nuôi nhưng họ vẫn bị thiệt hại vì nước mạnh đã “xé” bờ bao, “tống” đất, đá của tuyến đê tràn vô bồi lấp các hồ nuôi tôm.

 

Theo ông Trinh, hai bên tuyến đê Ngự Hàm Thủy có hơn 10 hồ nuôi tôm. Từ trước tết đến nay, sau khi đê bị vỡ và trong quá trình khắc phục, chủ các hồ nuôi này phải thuê người hút cát, xúc đất, đá bồi lấp hồ, rồi đắp lại bờ bao để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Anh Huỳnh Văn Phương ở thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, một người dân có hồ nuôi tôm ở khu vực này, cho hay: Mọi năm, khi lũ về, đê Ngự Hàm Thủy vẫn bị sạt lở nhưng không đáng kể. Sau khi chính quyền địa phương khắc phục, chúng tôi có thể thả nuôi thủy sản trước tết một cách bình thường. Tuy nhiên năm nay, thời tiết bất thường, gần đến ngày thả nuôi thì xảy ra mưa lũ kéo dài rồi đê bị bứt một đoạn. Mặc dù hầu hết các hộ ở đây chưa kịp thả con giống, thiệt hại chưa quá nặng nề nhưng việc hồ bị “xé” bờ bao, rồi bị bồi lấp cũng khiến chúng tôi mất một khoảng không nhỏ để khắc phục; mỗi hồ có thể tốn đến 25 triệu đồng để sửa chữa. Chưa kể, vì mất thời gian sửa lại hồ nên đến nay, người dân vẫn chưa thả nuôi thủy sản được, và nguy cơ không làm kịp vụ sau là chắc chắn.

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Xuân Phu, xã An Ninh Tây, đang canh tác tại đồng Tiệm, phía trong đê Ngự Hàm Thủy thì đợt lũ vừa rồi khiến nhiều người dân ở đây trở tay không kịp. Mặc dù người trồng lúa bị thiệt hại ít nhưng sau đó, nông dân phải tốn thời gian, công sức đưa nước vào đồng để rửa mặn mới sản xuất được. Chưa kể sau lũ, nhiều đợt mưa lớn kéo dài khiến đồng ruộng ngập úng, bà con phải sạ đi sạ lại nhiều lần. Đến nay, một số đám mới chỉ lên mạ, trong khi nếu kịp thời vụ, lúa đã gần trổ đòng.

 

Nước vẫn còn tràn qua chân đê

 

Tuyến đê Ngự Hàm Thủy dài hơn 1,2km, rộng 3,5m, cao khoảng 2m so với mực nước biển, nối liền hai thôn Phú Hội (xã An Ninh Đông) và Xuân Phu (xã An Ninh Tây). Theo nhiều người dân địa phương, tuyến đê này được xây dựng từ cách đây rất lâu nhưng thời điểm đó chủ yếu làm bằng đá. Đến thời bao cấp, người dân bắt đầu gánh đất đắp bổ sung vào những đoạn bị sụt lún, hư hỏng và bồi đắp hai bên bờ đê. Về sau, chính quyền tiếp tục cho xây mái taluy, bê tông mặt đê kiên cố để đảm bảo ngăn mặn, bảo vệ gần 100ha diện tích sản xuất lúa 2 vụ của hai xã An Ninh Đông, An Ninh Tây kết hợp làm đường giao thông.

 

Sau khi đê bị bứt một đoạn, gây ảnh hưởng đến việc trồng lúa, nuôi tôm của người dân hai xã An Ninh Đông và An Ninh Tây, UBND huyện Tuy An đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, phần đê bị bứt chỉ được đắp đất tạm, bên dưới chân đê là kè rọ đá chứ chưa được bê tông kiên cố nên đến nay, nước vẫn ngấm qua chân đê được. Theo ông Nguyễn Trinh, HTX Nông nghiệp Đông An Ninh đã báo cáo việc này với huyện, đồng thời huy động lực lượng dồn đất, cát vào bao xi măng đắp tạm ở chân đê nhưng vẫn không chặn được hết dòng nước mặn xâm thực. Tuy nhiên, nhờ người dân đã sửa chữa hồ tôm nên nước mặn tạm thời bị chặn lại tại những hồ này, giảm thiểu thiệt hại cho đồng ruộng phía trong. “Người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên sống chết nhờ đê. Do đó, mong muốn lớn nhất của bà con là chính quyền địa phương xây dựng đê cho kiên cố, ổn định chứ nếu để năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở, bứt đê thì rất khó cho người dân”, ông Trinh nói.

 

VIỆT AN - QUỐC TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek