Thứ Sáu, 01/11/2024 09:25 SA
Thông tư 39/2016/TT-NHNN:
Đảm bảo quyền lợi của bên cho vay lẫn người đi vay
Thứ Sáu, 24/02/2017 10:50 SA

Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017; trong đó có những quy định mới về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên, cho biết:

 

- Lâu nay, quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng vẫn được thực hiện theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên, quyết định này ban hành đã lâu, từ đó đến nay, quá trình thực hiện bộc lộ một số bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi; bổ sung như Luật Các TCTD, Luật NHNN, Bộ luật Dân sự... Do đó, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi cho cả bên cho vay lẫn người đi vay, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động cho các TCTD.

 

* Thông tư 39 có nhiều điểm mới so với các quy định trước đây. Ông cho biết những điểm mới này là gì?

 

 

Ông Nguyễn Văn Hàn - Ảnh: LÊ HẢO

 - Thông tư 39 có 3 điểm mới đáng chú ý. Thứ nhất là quy tắc áp dụng các văn bản pháp luật có liên quan. Thông tư 39 quy định rõ hoạt động cho vay của các TCTD đối với khách hàng được thực hiện theo quy định tại Luật Các TCTD, thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, Thông tư 39 là khung pháp lý chung. Nếu các hoạt động cho vay cụ thể như cho vay ngoại tệ, tài chính tiêu dùng... được quy định tại văn bản riêng thì ưu tiên áp dụng quy định riêng; nếu không thì thực hiện theo Thông tư 39.

Thứ hai là về chủ thể vay vốn. Trước đây, theo Quyết định 1627, chủ thể vay vốn bao gồm cá nhân, pháp nhân và một loạt chủ thể khác như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân... Nhưng hiện nay, theo Thông tư 39, chủ thể vay vốn chỉ còn có cá nhân và pháp nhân. Điều này dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (chủ thể tham gia các quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân). Như vậy, kể từ ngày Thông tư 39 có hiệu lực, các đối tượng không được thừa nhận là pháp nhân như hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác... không được vay vốn thương mại. Vì khi Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ các chủ thể ngoài cá nhân, pháp nhân thì việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với các đối tượng không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD.

 

Điểm mới thứ ba liên quan đến vấn đề lãi suất. Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 quy định các bên được thỏa thuận lãi suất cho vay, không vượt quá 20%/năm nhưng bộ luật này cũng có câu “trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác”. Do đó, cụ thể hóa Luật Các TCTD, Thông tư 39 quy định TCTD và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay. Riêng khách hàng vay vốn ngắn hạn để phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì áp dụng trần lãi suất theo quyết định của NHNN.

 

Ngoài 3 điểm nêu trên, Thông tư 39 còn có một số điểm mới khác như quy định về cách tính lãi cho phần tiền lãi chậm trả, chuyển nợ quá hạn, phạt vi phạm hợp đồng...

 

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng thương mại ở phường 5, TP Tuy Hòa - Ảnh: LÊ HẢO

 

* Thực hiện Thông tư 39, khách hàng là hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác... không còn được vay vốn. Như vậy, quyền lợi của các đối tượng này có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

 

- Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác... chỉ để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015; còn quyền lợi của khách hàng thì không bị ảnh hưởng. Những đối tượng này vẫn được vay vốn bình thường nhưng không phải với tư cách là hộ, doanh nghiệp mà phải vay với tư cách cá nhân của người chủ hộ, doanh nghiệp đó. Đối với tổ hợp tác, nếu muốn vay vốn, một cá nhân sẽ đại diện thỏa thuận với các cá nhân khác trong tổ để đứng ra vay vốn trên cơ sở có sự đồng ý của tất cả thành viên trong tổ.

 

* Nhiều khách hàng lo ngại nếu chuyển chủ thể vay vốn từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác... sang cá nhân, họ phải chịu lãi suất cao hơn?

 

- Thông tư 39 quy định TCTD và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay. Do đó, lãi suất cho vay đối với cá nhân cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Đối với trường hợp vay vốn thuộc các lĩnh vực ưu tiên, khách hàng phải được TCTD đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thì mới vay được với lãi suất trần do NHNN quy định.

 

* Đối với tài sản đảm bảo thì sao, thưa ông?

 

- Trong điều kiện vay vốn, Thông tư 39 không quy định bắt buộc phải có tài sản đảm bảo. Việc yêu cầu khách hàng phải có hay không có tài sản đảm bảo do TCTD quyết định. Nếu TCTD cảm thấy an toàn có thể cho vay không cần tài sản đảm bảo và ngược lại. Điều này pháp luật cho phép. Đồng thời, ngân hàng chỉ nhận tài sản đảm bảo của cá nhân vay vốn hoặc tài sản được bảo đảm của bên thứ ba. Đối với tổ hợp tác, tài sản là của đồng sở hữu, ai đứng ra vay vốn thì phải được các thành viên khác ủy quyền sử dụng tài sản đó để thế chấp. Đây chỉ là vấn đề thủ tục nên khách hàng không phải lo lắng.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

 

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek