Ngày 3/11/2016, tàu PY-90151TS của ông Trần Văn Tâm ở phường 6, TP Tuy Hòa bị chìm ở cửa biển Đà Diễn trong lúc chủ tàu cùng các bạn đang di chuyển tàu từ cảng cá phường 6 sang cảng cá Đông Tác để tránh lũ. Đến nay, hơn 3 tháng sau khi sự cố xảy ra, gia đình ông Trần Văn Tâm vẫn mỏi mòn chờ tiền bồi thường bảo hiểm để có thể đóng tàu mới, tái sản xuất.
Phát sinh khiếu nại, tố cáo
Ngày 19/2/2017, trao đổi với phóng viên, ông Tâm cho biết từ khi xảy ra sự cố tàu chìm đến nay, gia đình ông vẫn mong ngóng từng ngày để được nhận tiền bồi thường bảo hiểm. Vì trong vòng hơn 3 tháng qua, thu nhập chính từ nghề biển không còn, con ông phải đi bạn cho tàu khác, vợ ông thì đi làm thuê, còn ông chạy đôn chạy đáo để hoàn tất hồ sơ, thủ tục bảo hiểm. Chưa kể, trong khi những người bạn làm nghề liên tục xuất bến ra khơi và về cảng với những chuyến biển bội thu, lòng ông càng nóng như lửa đốt.
Trước đó, ngày 3/11/2016, nhận được tin cảnh báo lũ, ông Tâm cùng con là Trần Công Nhật, cháu là Võ Tấn Sang và anh Nguyễn Văn Thảo (cùng ở phường 6, TP Tuy Hòa) xuống tàu PY-90151TS để tìm cách đưa tàu từ cảng cá phường 6 sang cảng cá Đông Tác tránh lũ.
Tuy nhiên, trong quá trình lùi tàu rời cầu cảng, cánh quạt chân vịt bị vướng dây neo, không hoạt động được. Lúc này, thời tiết xấu, sóng to gió lớn, dòng nước chảy mạnh khiến tàu bị cuốn trôi ra cửa biển và bị sóng đánh chìm vào trưa cùng ngày. Trước khi tàu chìm, ông Tâm cùng các anh Nhật, Sang, Thảo đã kịp thời rời khỏi tàu, bám lấy nắp hầm hàng và thanh tre trôi trên biển, cố gắng bơi vào bờ. Sau hơn 9 giờ lênh đênh trên biển, ông Tâm và các anh Nhật, Sang bơi được vào bờ; còn Thảo do đuối sức đã thiệt mạng.
Vì gia đình có mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên với mức trách nhiệm cho thân tàu là 900 triệu đồng, thuyền viên 70 triệu đồng/người, thời hạn bảo hiểm từ ngày 18/2/2016-17/2/2017 nên sau khi sự cố xảy ra, ông Tâm đã báo cho đơn vị bảo hiểm là Công ty Bảo Minh Phú Yên đến hiện trường ghi nhận vụ việc.
Nhận được tin báo của ngư dân, Công ty Bảo Minh Phú Yên đã yêu cầu Công ty CP Giám định Năng lượng Việt Nam chi nhánh miền Trung (Đà Nẵng) vào cuộc giám định tổn thất. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị giám định độc lập này nhận định nguyên nhân dẫn đến tổn thất là do thiên tai. “Tuy nhiên, khi đơn vị đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để bồi thường cho người được bảo hiểm thì chúng tôi nhận được điện thoại và đơn nặc danh tố cáo ông Trần Văn Tâm cố tình làm tàu chìm để trục lợi bảo hiểm. Sự việc phát sinh yếu tố mới nên chúng tôi phải thận trọng phối hợp với UBND phường 6, Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, Công an TP Tuy Hòa xác minh lại”, ông Võ Anh Khoa, Giám đốc Công ty Bảo Minh Phú Yên, cho biết.
Xem xét bồi thường theo hướng nhân đạo
Mặc dù kết quả xác minh cho thấy ông Tâm không trục lợi bảo hiểm; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa cũng khẳng định anh Nguyễn Văn Thảo chết là do ngạt nước khi tàu bị chìm nhưng người nhà của anh Thảo vẫn gửi đơn yêu cầu đơn vị bảo hiểm và các cơ quan chức năng điều tra, xem xét lại vụ việc. Đến khi UBND phường 6 và các ban ngành vào cuộc hòa giải, gia đình anh Thảo mới đồng ý rút đơn và yêu cầu Công ty Bảo Minh Phú Yên giải quyết bồi thường bảo hiểm cho trường hợp tai nạn của Thảo.
Theo ông Võ Anh Khoa, ngay khi sự cố xảy ra, Công ty Bảo Minh Phú Yên đã tích cực vào cuộc để nhanh chóng giải quyết bồi thường cho ngư dân, giúp họ có điều kiện tái sản xuất nhưng do phát sinh khiếu nại, tố cáo nên thời gian giải quyết bồi thường kéo dài. Đến nay, công ty đã nhận được báo cáo giám định cuối cùng của Công ty CP Giám định Năng lượng Việt Nam. Theo đó, đơn vị giám định độc lập này nhận định tàu cá PY-90151TS bị tổn thất toàn bộ và đề nghị công ty bảo hiểm xem xét bồi thường cho chủ tàu 810 triệu đồng, trừ 10% mức trách nhiệm bảo hiểm do ông Tâm là máy trưởng của tàu nhưng không có bằng máy trưởng hạng tương ứng (tàu trên 400CV, máy trưởng phải có bằng hạng tư trong khi theo hồ sơ đơn vị bảo hiểm thu thập được, ông Tâm chỉ mới có bằng hạng năm - PV). Đối với phần tai nạn thuyền viên, Công ty CP Giám định Năng lượng Việt Nam cho rằng anh Thảo không phải là thuyền viên làm việc trên tàu PY-90151TS nên không thuộc trách nhiệm bồi thường của bảo hiểm.
“Khi xảy ra sự cố đối với tàu cá, Công ty Bảo Minh Phú Yên thường yêu cầu đơn vị giám định độc lập giám định thiệt hại để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Do đó, Công ty CP Giám định Năng lượng Việt Nam đề nghị thế nào, chúng tôi sẽ thực hiện thế đó. Tuy nhiên, liên quan đến trường hợp này, Tổng Công ty CP Bảo Minh đang xem xét theo hướng nhân đạo để có thể giải quyết bồi thường cho trường hợp của anh Thảo vì mặc dù anh Thảo không phải là thuyền viên tàu PY-90151TS nhưng anh đã tham gia cứu tàu trong lúc xảy ra thiên tai. Hiện Công ty Bảo Minh Phú Yên đang chờ quyết định chính thức của tổng công ty để chi trả bồi thường cho người bị nạn”, ông Khoa nói.
Theo ông Trần Văn Tâm, ông có kế hoạch vay vốn theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản để đóng tàu composite công suất hơn 800CV, giá trị khoảng 20 tỉ đồng và đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện. Giờ gia đình chỉ chờ nhận tiền bồi thường bảo hiểm để có vốn đối ứng vay ngân hàng đóng tàu lớn vươn khơi.
LÊ HẢO