Nguồn nhân lực làm việc trong các HTX vừa yếu về trình độ vừa hạn chế. Thời gian qua, dù chính quyền các cấp đã tạo điều kiện để các HTX thu hút lao động có trình độ, tay nghề nhưng đến nay kết quả vẫn không khả quan.
Các HTX đang khó thu hút lao động làm việc lâu dài - Ảnh: MINH DUYÊN |
Khó tuyển được lao động làm việc lâu dài
Các HTX đang cần đội ngũ cán bộ quản lý mới trẻ tuổi, năng động và có trình độ thay thế những cán bộ quản lý đã lớn tuổi. Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 193 HTX với 792 cán bộ quản lý. Trong đó, cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng 130 người, chiếm 16%; 481 người trình độ trung cấp, sơ cấp; còn lại chưa qua đào tạo, chỉ làm việc bằng kinh nghiệm. Đồng thời 1/2 trong số đó đã ngoài 60 tuổi.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc HTX Cơ giới đường bộ Tuy Hòa (TP Tuy Hòa), nhiều năm ở cương vị chủ nhiệm, giám đốc HTX, tới nay tuổi ông đã cao nên rất muốn có người kế cận am hiểu về lĩnh vực giao thông vận tải và có tâm huyết với phong trào kinh tế tập thể để thay thế, tiếp nối công việc và đưa HTX đi lên. “Giờ phải quản lý các chuyến xe bằng phương tiện hiện đại như máy tính, hộp đen…, trong khi thế hệ tôi đâu biết gì về vi tính. Ở cái tuổi 60 này, tôi làm văn bản vẫn phải viết tay rồi nhờ đánh máy và bản thân cũng không còn nhanh nhạy với những cơ chế, chính sách mới nữa. Đơn vị tôi cần lắm một người có trình độ chuyên môn để vực dậy HTX”, ông Tùng nói.
Đối với các HTX có hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất hàng thủ công, có cửa hàng bán lẻ rất cần lao động phổ thông làm việc gắn bó lâu dài, nhưng các HTX chỉ thu hút được lao động thời vụ. Ông Lương Tấn Thái, Giám đốc HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), cho biết: HTX sản xuất hàng thủ công mây tre lá, gỗ mỹ nghệ xuất khẩu nên cần nhiều lao động có tay nghề gắn bó với HTX. Hàng năm, để sản xuất ổn định, đáp ứng đủ hàng cung cấp cho đối tác, HTX phải duy trì hoạt động tại 6 cụm vệ tinh ở các huyện nên cần từ 100-800 lao động. Mặc dù hàng năm, HTX phối hợp với Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ, ký hợp đồng lao động và trả lương từ 2,2-3 triệu đồng/người/tháng, nhưng HTX chỉ thu hút được từ 100-500 lao động. HTX vận động người lao động ký hợp đồng dài hạn để hưởng chế độ và có việc làm lâu dài nhưng chỉ có 36 lao động làm hợp đồng, số còn lại chỉ mong muốn làm thời vụ.
Còn ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), cho biết: Mở dịch vụ cày đất, tuốt lúa, HTX đã giải quyết việc làm cho 57 lao động là người trong xã, nhưng cũng chủ yếu là lao động thời vụ. HTX cần người gắn bó để khi vào vụ có đủ nhân lực duy trì chạy máy cày cho kịp lịch thời vụ xuống giống cho bà con.
Trí thức trẻ chưa mặn mà với HTX
Nghị quyết 113 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại UBND xã để tạo nguồn cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có hiệu lực từ năm 2014, song đến nay số lượng trí thức trẻ vào HTX không nhiều mà ngày càng giảm. Theo Liên minh HTX tỉnh, nhu cầu cần 100 trí thức trẻ vào công tác tại các HTX nhưng sau 2 năm, toàn tỉnh chỉ thu hút được 35 người. Đến nay, số trí thức trẻ còn làm việc chỉ 30 người. Trong số 30 trí thức trẻ đang làm thì 26 người làm cán bộ tại UBND xã phụ trách quản lý nhà nước về HTX và chỉ có 4 cán bộ giữ chức phó giám đốc HTX.
Theo nhiều HTX phản ánh, các trí thức trẻ chỉ muốn làm việc tại UBND xã chứ không muốn về HTX. Trong khi các HTX mong muốn người trẻ trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh tại HTX và đưa ra giải pháp giúp HTX tháo gỡ khó khăn. “HTX cần người về làm việc chứ không cần một người quản lý hành chính HTX như cán bộ xã. Nhưng khi nói về HTX làm việc thì tâm lý người trẻ không ai muốn”, ông Nguyễn Đồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Kiến 2 nói.
Nhiều địa phương không tuyển được trí thức trẻ về HTX đã phải chuyển công tác cán bộ trẻ phòng nông nghiệp xuống. Theo trí thức trẻ Nguyễn Thị Kim Lý ở huyện Đồng Xuân, trước đây chị làm ở Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, theo nhu cầu về nhân lực, chị được chuyển về UBND xã làm cán bộ quản lý HTX tại UBND xã Xuân Sơn Bắc. Còn chị Nguyễn Thị Thơ ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), lao động thời vụ của HTX Tân Hòa Bình, cho biết: Tôi chỉ đi làm cho HTX những lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Tôi không muốn ký hợp đồng dài hạn vì ngại những ràng buộc và mức lương như vậy cũng không đủ cho tôi trang trải toàn bộ chi phí gia đình.
Thu nhập hạn chế, chỗ đứng trên thị trường yếu khiến các HTX khó thu hút lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Để khắc phục vấn đề này, đơn vị tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý HTX; đẩy mạnh liên kết phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp để tạo việc làm ổn định và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
MINH DUYÊN