Năm 2016, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được tăng cường, việc sử dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi có giảm, nhưng vấn đề mất an toàn thực phẩm vẫn còn báo động. Vì vậy, năm 2017 được Bộ NN-PTNT quyết định chọn làm Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hoạt động chế biến sản phẩm thủy sản nhỏ lẻ rất khó để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm - Ảnh: ANH NGỌC |
Nhiều cơ sở vi phạm
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2016, các ngành chức năng Trung ương và địa phương đã tổ chức thanh kiểm tra gần 30.000 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện gần 3.880 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính gần 22 tỉ đồng. Đối với an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, đã kiểm tra hơn 21.360 cơ sở, phát hiện hơn 1.920 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính gần 6,7 tỉ đồng. Qua kiểm tra an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu, Bộ NN-PTNT đã phát hiện 96/12.063 lô hàng động vật và sản phẩm động vật vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tại Phú Yên, năm 2016, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường nên số vụ vi phạm có giảm hơn so với năm 2015. Các ngành chức năng đã thanh kiểm tra gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 30 triệu đồng. Đối với vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản, Sở NN-PTNT đã kiểm tra 41 cơ sở, đã phát hiện 6 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 13 triệu đồng.
Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Năm 2016, chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc dùng phẩm màu nhuộm ruốc, phát hiện 1/3 mẫu phẩm màu không được phép sử dụng. Ngoài ra, chi cục còn phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất một số cơ sở chế biến chả ở TP Tuy Hòa và phát hiện một số cơ sở vi phạm. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay: Khó khăn nhất hiện nay là phần lớn cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp theo thời vụ, một số chủ cơ sở chưa qua đào tạo, tập huấn chuyên môn nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Đối với chăn nuôi và thú y, phần lớn cơ sở giết mổ còn nhỏ lẻ, giết mổ tại hộ gia đình nên chưa đảm bảo điều kiện quy định. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ quan chức năng và địa phương chưa tương xứng với số lượng cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm…
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, đến nay, việc sử dụng chất cấm kích thích tăng trưởng salbutamol trong chăn nuôi cơ bản được đẩy lùi. Tuy nhiên, năm 2016, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phát hiện việc sử dụng chất mới, chất cysteamine có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi. Việc sử dụng chất cysteamine như một hình thức thay thế chất salbutamol và có chiều hướng gia tăng nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn. Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để đánh giá tác động của chất cysteamine đối với cơ thể vật nuôi cũng như nguy cơ gây hại đối với sức khỏe con người. Tháng 1/2017, Bộ NN-PTNT quyết định đưa chất cysteamine vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam.
Chú trọng phát triển sản phẩm sạch
Đến nay, cả nước có 50 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Phú Yên, việc xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản an toàn cũng là giải pháp nhằm hạn chế thực phẩm bẩn xuất hiện trên thị trường. Hiện Phú Yên triển khai xây dựng 4 chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản an toàn. Các chuỗi này gồm chuỗi cá ngừ đại dương (sản phẩm mắt, mép, thăn, lòng, lườn) của Công ty TNHH Hải sản Bình Minh (huyện Tuy An), chuỗi giò heo xông khói của Công ty TNHH Thương mại Vi Long (TP Tuy Hòa), chuỗi rau mầm an toàn của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Điệp (TP Tuy Hòa) và chuỗi thịt gà, thịt heo của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sơ Thứ (TP Tuy Hòa). Chi cục đã hướng dẫn các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh này hoàn thiện thủ tục xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Theo ông Đặng Phúc, đến nay đã xác nhận được 2 nhóm sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm an toàn là giò heo xông khói và chả cá. Đối với sản phẩm giò heo xông khói, Công ty TNHH Thương mại Vi Long tổ chức chăn nuôi tập trung và thu gom, giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung tại phường 8 (TP Tuy Hòa), sau đó đưa đến cơ sở của công ty để chế biến, đóng gói, bảo quản. Còn sản phẩm chả cá an toàn được 4 hộ kinh doanh ở phường Xuân Phú (TX Sông Cầu) chế biến. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục điểm bán các sản phẩm nông, thủy sản an toàn. Còn theo ông Nguyễn Trọng Tùng, việc xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh sẽ mang lại cho người tiêu dùng sự yên tâm hơn về sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, hiện ở Phú Yên chưa xây dựng được nhiều chuỗi sản phẩm an toàn, việc kết nối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng vẫn còn khó khăn do kinh phí còn hạn chế và địa điểm bày bán chưa thuận lợi…
Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, năm 2017, Bộ NN-PTNT quyết định chọn làm Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2017, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung vào những chương trình tuyên truyền cụ thể để tạo chuyển biến về nhận thức từ cơ quan quản lý đến người tiêu dùng ở các địa phương. Đặc biệt, công tác chuyên môn sẽ tập trung kiểm soát vật tư đầu vào, cụ thể là nhóm sản phẩm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và kiểm soát chặt chẽ hơn việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng cũng như phục vụ xuất khẩu.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường |
ANH NGỌC