Mọi năm, thường thì đến mùng 7 tháng Giêng, các nhà máy đường của tỉnh đã hoạt động rầm rộ nhưng đầu tháng Giêng năm nay, mưa tầm tã làm cho đường lún, ruộng lầy, nông dân không thu hoạch mía, kéo theo nhà máy “đói” nguyên liệu nên chưa sản xuất được. Còn ruộng lúa thì nước ngập trắng đồng, có người sạ đến 4 lần.
Nhà máy “đói” nguyên liệu
Những năm trước vào khoảng thời gian này, tại Nhà máy đường TUSUCO (Công ty CP Mía đường Tuy Hòa) và Nhà máy đường Đồng Xuân, Sơn Hòa (Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam), xe tải chở mía đậu kín khuôn viên nhà máy. Nhưng năm nay không thấy chiếc xe chở mía nào, nhà máy thì ngưng hoạt động từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Ông Nguyễn Văn Phương, công nhân Nhà máy đường Đồng Xuân, cho biết: Trước tết, nhà máy hoạt động cầm chừng được 1 tuần rồi nghỉ sớm. Từ đó đến nay không có nguyên liệu nên nhà máy chưa hoạt động trở lại. Còn ông Thiệu Văn Học ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), cho biết: Niên vụ này tôi trồng 2ha mía tơ, nếu giờ cho thu hoạch, xe tải chạy vào sẽ “cày” nát gốc mía, không thể để lưu gốc được, đành chờ trời nắng ráo.
Xã Sơn Phước là nơi có nhiều diện tích mía của huyện Sơn Hòa với 1.800ha. Trước đây, ăn tết xong, nông dân đổ xô thu hoạch mía, khoảng đến rằm tháng Giêng, 1/2 diện tích mía ở đây đã được thu hoạch. Thế nhưng năm nay, mía vẫn còn đứng đám. Ruộng mía của ông Lê Văn Lung, xã Sơn Phước, rộng trên 10ha đang thời kỳ thu hoạch, năng suất ước đạt 70 tấn/ha. Ông Lung cho biết, thường Tết Nguyên đán ông thu hoạch khoảng 5ha mía bán cho Nhà máy đường KCP, có tiền chi tiêu trong dịp tết. Năm nay đường lầy lội, xe máy chạy còn lún huống chi xe tải chở mía.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, ông K.V.S.R Subbaiah, niên vụ mía 2016-2017, thời tiết bất lợi, mưa kéo dài đã làm cho mía trong vùng nguyên liệu chín muộn. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mưa lớn vẫn tiếp diễn làm cho đường lún, ruộng lầy nên xe không thể vận chuyển được, không chỉ nông dân mà nhà máy cũng gặp khó. Trước tình trạng thời tiết bất lợi, khả năng niên vụ mía này nông dân thu hoạch kết thúc vụ muộn.
Nông dân xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) thu hoạch mía vác ra tận đường lộ - Ảnh: LÊ TRÂM |
Sạ đi sạ lại 4 lần giống
Chưa năm nào nông dân Phú Yên lại phải sạ đi, sạ lại nhiều lần như vụ đông xuân này. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, vụ lúa đông xuân năm nay, trong 26.400ha diện tích đã gieo sạ thì có đến gần 2.000ha bị ngập úng phải sạ đi sạ lại nhiều lần, tập trung tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Đông Hòa và TP Tuy Hòa.
Tại cánh đồng phường 5, phường 8 và xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), trận mưa lớn cuối tuần qua làm cho lúa non vừa gieo sạ bị ngã, có đám ruộng chưa xuống giống được vì mênh mông nước. Anh Nguyễn Văn Lâm ở xã Bình Kiến, cho hay: Cánh đồng Màng Màng trũng thấp khi sạ gặp mưa to, nước các nơi dồn về nên ruộng ngập úng, lúa non ngã rạp. Vụ này, tôi sạ đi sạ lại 4 lần rồi mà lúa vẫn còn chết. Từ hồi nào đến giờ, tôi chưa từng gặp tình cảnh này.
Ông Nguyễn Đồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Kiến 2, cho biết: Toàn HTX có 155ha lúa đông xuân. Từ khi sạ đến nay, mưa liên tiếp nên hiện lúa vẫn còn ngập úng, lứa lúa lớn bị rữa, lúa nhỏ ngã rạp, khả năng hư hại toàn bộ.
Còn tại cánh đồng Rộc Xoài (thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân), nhiều diện tích lúa nông dân phải sạ lần 3. Ông Hồ Xuân Long, một nông dân ở đây, nói: Trong năm tôi sạ một lần, ruộng rộc nên cong lưng tát nước, trận lụt ngày 29 tháng Chạp ập đến, tôi bỏ thau tại ruộng. Sau tết, tôi sạ lại lần 2 thì mùng 8 tháng Giêng nước tràn đồng lúa hư hại tiếp, giờ tôi chờ nước rút để sạ lại lần 3. Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: Lúa mới sạ, nước lụt tràn về ngập lênh láng, bà con nông dân trong tết vừa bơm tát nước để cứu lúa non. Toàn xã có đến trên 20ha lúa bị hư hại phải sạ lại.
Tại huyện Tuy An, các cánh đồng Đá Hàn (thị trấn Chí Thạnh); đồng Cháy, Đập Bà Câu (xã An Cư) lúa mới sạ đã bị ngập sâu. Theo ông Cao Văn Tiến, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, đợt mưa to ngày mùng 8 tháng Giêng, toàn huyện có trên 200ha lúa sạ muộn bị ngập úng nặng. Ngoài ra, địa phương còn có 180ha không thể sạ trước tết, sau tết thì bị nước ngập nên phải kéo dài thời gian gieo sạ. Số diện tích lúa non bị ngập úng có khả năng mất giống.
LÊ TRÂM