Thứ Năm, 26/12/2024 12:12 CH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 10 tỉ USD xuất khẩu tôm vào năm 2030 là quá thấp
Thứ Hai, 06/02/2017 11:53 SA

Ảnh: VGP

Chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỉ USD vào năm 2030 là quá thấp.

 

Sáng 6/2 tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

 

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 28 tỉnh ven biển, đặc biệt là 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm vùng ĐBSCL cùng 50 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm, đại diện bà con nông dân.

 

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng cho rằng, mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỉ USD vào năm 2030 là quá thấp. “Hôm qua, làm việc với Minh Phú (tập đoàn thủy sản) thì riêng Minh Phú đã quyết tâm đến 2021 xuất khẩu 2 tỉ USD. Vậy còn 8 tỉ USD nữa với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn, tạo sao không đạt 10 tỉ USD sớm hơn”, Thủ tướng nói. “Tôi đặt vấn đề với các đồng chí đến năm 2025 phải đạt 10 tỉ USD”.

 

Dẫn lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận về các giải pháp phát triển ngành tôm để đạt mục tiêu 10 tỉ USD sớm hơn. “Chúng ta có thể chủ động giống không? Thức ăn tốt và giá thành phù hợp, có làm được không? Quy trình, kỹ thuật canh tác tôm nhân rộng thế nào để có năng suất cao, không bị dịch bệnh. Chế biến, thương hiệu thế nào, bao bì làm sao?”, Thủ tướng đặt hàng loạt vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, thảo luận và có thể mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ các cơ chế, chính sách để phát triển lợi thế này của Việt Nam, “chứ không phải rụt rè từng dấu chấm, phẩy”.


Lợi thế ngành tôm là "tuyệt đối"

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đối diện 3 thách thức là sản xuất hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

 

Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

 

“Chúng ta phải lựa chọn đối tượng, mặt hàng sản xuất mà Việt Nam có lợi thế. Đối tượng đó phải thích ứng được biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực tiễn đã chứng minh con tôm là đối tượng sản xuất hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. “Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỉ USD, 700.000 ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều miễn là chúng ta có khát vọng, có quyết tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ và mong muốn quyết tâm đó được đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân.

 

Trên thế giới, sản phẩm tôm và thủy sản nói chung vẫn đang là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị mất giá hoặc bị khủng hoảng về giá.

 

Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu (đặc biệt vùng ĐBSCL) rất phù hợp để nuôi tôm. Đặc biệt, xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm. Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000-1.000.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL.

 

Vùng nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm kết hợp trồng lúa trên đất lúa) có diện tích lớn (560.000ha), tuy nhiên năng suất còn thấp (200-350 kg/ha), còn có thể nâng cao gấp 3-5 lần hiện tại nếu như áp dụng các giải pháp phù hợp.

 

Trong khi đó, diện tích vùng nuôi tôm công nghiệp còn nhỏ, năng suất tuy cao hơn nuôi quảng canh nhưng vẫn thấp, đạt khoảng trên 4 tấn/ha. Nếu được đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có thể nâng cao năng suất lên 1,5 đến 2 lần so với hiện tại.

 

Thời gian gần đây, nhiều phương thức, mô hình nuôi hiệu quả, rất có triển vọng đã xuất hiện như nuôi tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái; mô hình nuôi theo 2 giai đoạn, tổ chức liên kết theo chuỗi... Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào ngành tôm.

 

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, lợi thế của con tôm so với các sản phẩm nông nghiệp khác là tuyệt đối, từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, thị trường đến trình độ canh tác, sự phát triển của của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để phát triển được con tôm ở quy mô công nghiệp, trở thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng yếu, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tập trung tháo gỡ để phát triển bền vững.

 

Đến nay Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 90% giống tôm trắng chân trắng bố mẹ, với số lượng từ 180.000-260.000 con. Trong khi đó, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên.

 

Theo đại diện các doanh nghiệp, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao. Nguyên nhân do giá thức ăn (chiếm 65%), chi phí con giống luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện...

 

Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

 

Ngoài ra, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không bảo đảm, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.

 

Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hiện đang rất hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Khu vực nuôi tôm quảng canh cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống.

 

Tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm 2 loài: tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng.

 

Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đánh dấu sự ra đời của phương thức nuôi tôm công nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Sau 10 năm thực hiện, diện tích nuôi tôm đã tăng gần 3 lần. Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt qua con số 2,1 tỉ USD và con tôm thật sự đã trở thành động lực thu hút đầu tư cho hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu.

 

Hiện nay, tổng diện tích thả nuôi tôm khoảng 700.000 ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 650 ngàn tấn. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch 3,15 tỉ USD.

 

Hiện cả nước có 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ. Đã xuất hiện doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư sản xuất thức ăn nuôi tôm. Lượng thức ăn sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu. Cả nước có trên 350 cơ sở chuyên và không chuyên chế biến tôm với công suất trên 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm, vượt so với nhu cầu chế biến nguyên liệu trong nước.

 

Theo Chinhphu.vn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek