Ông Huỳnh Lòng, sinh năm 1957, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TT&VV) khu phố 5, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, đã làm như vậy trong suốt 5 năm qua để giúp tổ TK&VV của mình từ một tổ có nợ quá hạn trên 2% tổng dư nợ thành một tổ “trắng” nợ.
Ông Huỳnh Lòng - Ảnh: VIỆT AN |
Năm 2012, ông Lòng được mọi người tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ TK&VV ở khu phố 5. Nhận nhiệm vụ trong lúc tổ đang được kiện toàn với nợ quá hạn trên 2% tổng dư nợ, lãi tồn đọng 39 triệu đồng, ông biết rằng mình đã rơi vào thế khó. Ông Lòng chia sẻ: “Lâu nay, tôi là Chi hội phó Nông dân khu phố 5, nhưng chưa có kinh nghiệm gì liên quan đến việc làm “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Do đó, khi được bầu làm Tổ trưởng Tổ TK&VV, tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình của bản thân, sự động viên, hướng dẫn, giúp đỡ của Hội Nông dân thị trấn cũng như cán bộ tín dụng ngân hàng, tôi đã dần xử lý được các tồn tại của tổ”.
Theo ông Lòng, khó khăn ban đầu mà ông gặp phải không chỉ vì tổ có nợ quá hạn và nợ tồn đọng lớn, mà còn vì ý thức trả nợ của người dân chưa tốt. Thời điểm đó, hầu hết người vay chưa hiểu hết quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Họ nghĩ rằng đây là vốn được cấp chứ không hề nghĩ rằng đây là tiền vay và hễ vay là phải trả. Sau khi tìm hiểu, biết được điều này, ông Lòng đã kiên trì tuyên truyền, vận động, giúp người vay trong tổ hiểu được ý nghĩa của đồng vốn chính sách và dần nâng cao ý thức trả nợ. Nhờ vậy, đến nay, mặc dù tổ TK&VV do ông làm tổ trưởng có đến 41 thành viên, tham gia vay 5 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ gần 1,6 tỉ đồng nhưng không có nợ quá hạn và lãi tồn đọng. Chưa kể, các thành viên trong tổ còn tiết kiệm được 36 triệu đồng để có thể trích trả nợ khi món vay đến hạn.
Hiểu rằng tổ trưởng tổ TK&VV là cầu nối giữa ngân hàng và người vay, với mong muốn giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp một cách thuận lợi nhất, ông Lòng đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do NHCSXH và hội đoàn thể tổ chức. Sau đó, ông mang những kiến thức về các chương trình tín dụng ưu đãi được trang bị ra giải thích, hướng dẫn lại cho thành viên trong tổ và người dân trong khu phố biết thông qua các buổi sinh hoạt tổ, chi hội Nông dân định kỳ. Nhờ vậy, việc cho vay các chương trình trong tổ được thực hiện đúng quy định, các đối tượng vay được bình xét công khai, rõ ràng. Ngoài ra, ông Lòng còn hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay một cách nhanh chóng, đầy đủ.
Bên cạnh việc quan tâm giúp người dân trong khu phố được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, ông Lòng còn thường xuyên kiểm tra mục đích sử dụng vốn của hộ vay, đảm bảo tiền vay được sử dụng hiệu quả. Nhờ cách làm sát sao của ông Lòng mà nhiều hộ vay trong tổ đã cải thiện được đời sống. Điển hình như trường hợp của hộ ông Lâm Văn Kiệm, một hộ cận nghèo ở khu phố 5. Được ông Lòng hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, gia đình ông Lâm Văn Kiệm vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của NHCSXH. Với số vốn này, ông Kiệm mua bò về nuôi và đầu tư trồng sắn. Sau một thời gian, bò sinh sản, sắn phát triển, gia đình ông bán bớt để trả nợ ngân hàng. Thoát được cận nghèo, ông Kiệm tiếp tục được vay 40 triệu đồng chương trình tín dụng cho hộ mới thoát nghèo để đầu tư trồng thêm cao su. “Nếu không có vốn ưu đãi, không được hướng dẫn cách làm ăn thì giờ đây, chúng tôi khó có thể có cuộc sống ổn định”, ông Kiệm nói.
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, ông Lòng là một tổ trưởng tổ TK&VV nhiệt tình, tận tâm. Với nỗ lực của mình, ông đã giúp người vay hiểu được ý nghĩa của đồng vốn chính sách, sử dụng đúng mục đích và nâng cao ý thức trả nợ. Ghi nhận thành tích của ông Lòng, ngân hàng đã tuyên dương, khen thưởng ông trong đợt tổng kết hoạt động năm vừa qua.
VIỆT AN