Thứ Sáu, 10/01/2025 14:21 CH
Làng nghề vào tết
Thứ Bảy, 07/01/2017 08:06 SA

Các cơ sở sản xuất mắm ở Gành Đỏ sẵn sàng nguồn hàng để cung cấp cho thị trường tết - Ảnh: THỦY TIÊN

Gần 1 tháng nữa mới đến tết nhưng những ngày này, ở các làng nghề, tết đã “chạm ngõ” khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường bắt đầu tăng mạnh. Nhà nhà, người người ở các làng nghề đang hối hả, tất bật sản xuất cho những đơn hàng cuối.

 

Nhộn nhịp làng chổi Mỹ Thành

 

Vào mùa sản xuất từ khá sớm, đến nay, sau hơn 5 tháng “chạy” hàng, làng chổi Mỹ Thành ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) đã sản xuất được lượng hàng khá dồi dào đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Ông Nguyễn Tấn Đạt, chủ một cơ sở sản xuất chổi ở đây, cho biết: Bình thường mỗi ngày, cơ sở của tôi sản xuất được 1.000 cây chổi đót, vào những tháng cận tết, cơ sở tăng nhân công, mỗi ngày sản xuất được khoảng 1.200 cây chổi. Năm nay, cơ sở nhận được một số đơn hàng khá lớn từ các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk nên thị trường tiêu thụ được rộng mở. Những ngày cuối năm, giá chổi tăng nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/cây, hiện chổi có giá từ 17.000- 30.000 đồng/cây (tùy loại dày, mỏng).

 

Để chủ động được nguyên liệu sản xuất, từ đầu năm, các chủ cơ sở làm chổi ở đây đã bắt đầu thu mua, tích trữ đót để làm hàng. Theo ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Mỹ Thành, bình quân, mỗi năm cơ sở ông sản xuất được khoảng nửa triệu cây chổi đót và gần 20.000 cây chổi xương; vì vậy ngay từ đầu năm, ông đã chủ động thu mua nguyên liệu để tích trữ. Hiện nay, nguồn đót và cọng dừa tại tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu nên những người làm chổi ở Mỹ Thành phải tìm vào tận các tỉnh miền Nam để mua nguyên liệu.

 

Những ngày giáp tết, khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng lên, các cơ sở sản xuất chổi ở đây cũng tăng cường sản xuất, người lao động có việc làm để có thêm thu nhập. Anh Trần Thanh Sơn, một người chuyên bó chổi gia công của cơ sở ông Đạt, cho biết: Cơ sở tăng ca làm đến 19 giờ nên năng suất làm việc của mọi người cũng tăng theo, mỗi ngày tôi bó được gần 150 cây chổi, thu nhập được khoảng 230.000 đồng/ngày.

 

 

Làng nghề chổi Mỹ Thành nhộn nhịp sản xuất - Ảnh: THỦY TIÊN

 

 

Mắm Gành Đỏ vào tết

 

Với đặc thù riêng của làng nghề, những hộ sản xuất nước mắm ở Gành Đỏ (TX Sông Cầu) vào mùa sản xuất nước mắm cho thị trường tết từ cuối năm ngoái. Vì vậy, đến nay, khi vào mùa tết, các cơ sở này tập trung chiết mắm, đóng bao bì và tiếp thị quảng cáo… Bà Trần Thị Dung, (cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Ông Già) cho biết: Từ nhiều tháng trước, cơ sở đã bắt đầu chiết mắm, vô chai và dán nhãn. Hiện nay, tất cả các loại mắm đã lên kệ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Năm nay, cơ sở đưa ra thị trường nhiều loại mắm với chất lượng và giá cả khác nhau. Cụ thể, mắm phục vụ ăn trực tiếp có 4 loại với 4 mức giá 50.000, 60.000, 70.000 và 80.000 đồng/lít. Đối với loại mắm để sản xuất thực phẩm, nấu nướng có giá rẻ hơn từ 25.000-40.000 đồng/lít. Phục vụ thị trường tết năm nay, cơ sở tiến hành thay “áo mới” cho sản phẩm như nút đóng và bao bì. Hiện cơ sở có các dòng sản phẩm đóng thùng sẵn gồm 6 chai/thùng rất tiện lợi, trang trọng để làm quà biếu tết. Nhờ bắt kịp thị hiếu tiêu dùng, sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý nên sức tiêu thụ mắm tại cơ sở này tăng khá mạnh.

 

Tại cơ sở sản xuất mắm Bà Mười ở địa phương này, từ hơn 1 tháng qua, lượng mắm tiêu thụ bắt đầu tăng mạnh, tập trung cho các đơn hàng mua mắm phục vụ chế biến thực phẩm tết. Ngoài thị phần này, để đẩy mạnh tiêu thụ ở phân khúc bán lẻ, cơ sở mắm Bà Mười còn tăng cường quảng bá thông qua mạng xã hội, liên kết với các cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản Phú Yên... Từ Tết Dương lịch đến nay, lượng khách du lịch ghé tham quan và mua hàng tại cơ sở rất đông.

 

Bánh tráng Đông Bình “chạy” với thời tiết

 

Năm nay, mưa kéo dài đến tháng Chạp nên làng nghề bánh tráng Đông Bình ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) gặp nhiều khó khăn. Bà Võ Thị Nhụy, một hộ sản xuất bánh tráng ở đây, chia sẻ: Chưa năm nào thời tiết lại bất lợi như năm nay, mưa lũ liên tục, kéo dài tới tận cuối năm, người làm nghề tráng bánh gặp rất nhiều khó khăn. Mọi năm, trong thời gian 2 tháng làm hàng tết, gia đình tôi sản xuất được khoảng 1 triệu bánh. Năm nay do thời tiết bất lợi, dù qua hơn 1 tháng vào mùa tráng bánh tết, gia đình tôi chỉ mới sản xuất được hơn 300.000 bánh.

 

Để có hàng bán tết, thời gian qua, các hộ sản xuất bánh tráng ở Đông Bình phải sử dụng lò than để sấy. Ông Phạm Thành Trắc, một hộ tráng bánh ở Đông Bình, cho biết: Trời mưa nên chúng tôi không phơi bánh tráng được. Chúng tôi phải dùng lò than sấy bánh nên chất lượng bánh và năng suất giảm.

 

Do sản lượng bánh tráng sản xuất giảm mạnh nên thị trường bị hút hàng, đẩy giá bánh tăng cao. Hiện bánh tráng được bán ra tại các cơ sở này có giá từ 75.000-110.000 đồng/100 bánh, tăng từ 15.000-20.000 đồng so với ngày thường. Theo những người làm bánh ở đây, mặc dù giá tăng nhưng chi phí sản xuất cũng tăng ở công đoạn sấy nên lợi nhuận cũng không tăng. Trong khi đó, sản lượng bánh sản xuất lại giảm khoảng 50% nên thu nhập của người dân bị giảm mạnh.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek