Tính đến hết 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 157.000 tỉ đồng với hơn 6.784 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn.
Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng 10% được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 140.928 tỉ đồng, tăng 12.813 tỉ đồng so với năm 2015, hoàn thành 100% kế hoạch.
Tính đến ngày 31/12/2016, tổng nguồn vốn đạt trên 162.000 tỉ đồng, tăng hơn 15.900 tỉ đồng so với cuối năm 2015; trong đó tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 5.436 tỉ đồng, tăng 1.250 tỉ đồng so với cuối năm 2015; tiền gửi tiết kiệm của cộng đồng dân cư tại điểm giao dịch xã đạt 352 tỉ đồng sau 3 tháng triển khai thực hiện.
Cũng theo Ngân hàng Chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi trong năm 2016 đã giúp trên 2.282 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh góp phần giúp hơn 483.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 164.600 lao động, trong đó hơn 2.300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Nguồn vốn của ngân hàng cũng giúp trên 22.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng trên gần 1,4 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn; xây dựng hơn 18.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, trong đó có trên 5.000 căn nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo các tỉnh miền Trung...
Cũng trong năm qua, Ngân hàng Chính sách đã tập trung nâng cao chất lượng tín dụng tại những địa bàn còn chưa tốt, nhất là việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả. Chính vì vậy, tính đến cuối năm 2016, tỉ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,75% tổng dư nợ, giảm 0,03% so với năm 2015.
Năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 thêm 2%, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 tăng từ 8% lên 10%.
Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn giải ngân theo kế hoạch và thanh toán các khoản nợ đến hạn, bên cạnh các nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, Ngân hàng Chính sách đã tập trung huy động các nguồn vốn như: nhận tiền gửi 2% từ các tổ chức tín dụng Nhà nước, phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách được Chính phủ bảo lãnh, huy động vốn trên thị trường của các tổ chức, cá nhân...
Ngoài ra, cùng với nguồn vốn thu nợ cho vay quay vòng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời đảm bảo khả năng thanh toán của toàn hệ thống.
Bước sang năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tập trưng ưu tiên vốn cho các tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, các tỉnh có dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng biên giới và hải đảo, cho vay khắc phục thiên tai, cho vay các chương trình tín dụng mới./
Theo Vietnam+