Sau đợt lũ muộn vừa qua, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, bắt trứng và thu gom ốc bươu vàng, tiến hành gieo sạ đồng loạt vụ lúa đông xuân.
Khẩn trương làm đất gieo sạ
Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, thời gian xuống giống lúa đông xuân 2016-2017 bắt đầu từ ngày 20/12, tuy nhiên do lũ muộn nên nông dân lùi lịch thời vụ gieo sạ. Những ngày này tại các cánh đồng thôn Phước Nhuận, Phước Lộc thuộc xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), máy cày dàn hàng ngang bừa kéo láng, còn nông dân ra sức cải tạo đồng ruộng. Ông Phan Văn Trung ở xã Xuân Quang 3, cho hay: Đám ruộng nhà tôi be bờ lần 2, lần đầu đắp giữ nước đâu vào đó nhưng lụt tràn vô “xé” vỡ hết đoạn bờ bao, đất tràn vào ruộng, nay phải bỏ công ra đắp lại, đồng thời cải tạo ruộng bồi lấp chuẩn bị gieo sạ. Thường qua 23/10 âm lịch là hết mưa lụt, riêng năm nay qua tháng 11 âm lịch, trời vẫn còn mưa dầm nên vụ lúa này phải gieo sạ muộn.
Theo ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, từ đầu tháng 12 đến nay, nhiều cánh đồng ở xã Xuân Quang 3 đã hai lần ngập lụt. UBND xã đã chỉ đạo HTX nước rút đến đâu vận động người dân gieo sạ đến đó để kịp lịch thời vụ chung.
Vụ đông xuân này, huyện Tuy An gieo sạ 2.829ha, tập trung xuống giống từ ngày 15/12, tuy nhiên do mưa to, ruộng ngập nước nên đến nay, cánh đồng các xã An Định, An Nghiệp, An Ninh Tây, An Ninh Đông, nông dân mới làm đất và gieo sạ. Ông Nguyễn Văn Long ở xã An Nghiệp, cho hay: Tôi ngâm ủ giống, đợi máy cày bừa là tiến hành sạ. Vụ này, lo ngại chuột cắn phá nên tôi lập hàng rào ni lông ngăn không cho chuột lội vào ruộng.
Theo ông Cao Văn Tiên, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, năm nay, trước tình hình mưa lũ thất thường, huyện đã hướng dẫn người dân lùi thời gian gieo sạ. Lũ rút, Phòng NN-PTNT huyện chỉ đạo HTX tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo tiêu thoát, đẩy nhanh tiến độ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, kịp thời xuống giống gieo sạ. Đơn vị cũng khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa chỉ sản xuất từ 95-105 ngày và đảm bảo chất lượng để xuống giống gieo sạ.
Gieo sạ hết diện tích
Cánh đồng thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), nông dân đã gieo sạ sớm gần 20ha. Nhưng mưa lũ những ngày qua làm cánh đồng ngâm nước nhiều ngày, số lúa giống đã gieo mất trắng, nay phải sạ lại. Bà Bùi Thị Thủy ở thôn Phước Lộc, cho hay: Ở đây nông dân gieo sạ giống lúa Đà Nẵng, thời gian sinh trưởng 4 tháng nên thường xuống giống trước lịch thời vụ chung của huyện. Tôi vừa gieo sạ xong, bưng thúng về đến nhà thì mưa tầm tã. Trời tạnh, tôi ra ruộng cố tát nước nhưng sau đó mưa liên tiếp, ruộng ngập nước, lúa non bị ốc bươu vàng cắn phá nên chết sạch. Mấy ngày nay, chúng tôi phải làm đất gieo sạ lại, kết hợp với vãi thuốc trừ ốc bươu vàng.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, vụ này, toàn huyện gieo sạ 4.700ha, dự kiến dứt điểm trước ngày 10/1/2017. Một số diện tích vùng trũng ở các cánh đồng Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam, Hòa Tân Đông và Hòa Xuân Đông thường xuyên bị ngập nước, Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với các HTX nông nghiệp vận động người dân tháo nước trên cánh đồng để xuống giống đồng bộ, đảm bảo gieo sạ hết diện tích.
Còn tại các cánh đồng Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), nông dân cũng đang gieo sạ. Ông Trần Văn Thái, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho biết: Cách nay gần 1 tháng, HTX đã đưa máy hút cát nạo vét để đưa nước vào trạm bơm điện Ngọc Lâm đặt tại Bến Nhiễu, hút nước từ sông Bánh Lái. Thế nhưng đợt lũ muộn vào trung tuần tháng 12, cát bồi lấp trở lại, HTX triển khai nạo vét lần 2. Mưa to, nước trên cánh đồng Cây Duối, Canh Yên, Đồng Phấn của xã Hòa Mỹ Tây ngập sâu, mấy ngày này, nước rút nên nông dân đồng loạt xuống giống, không để diện tích nào bỏ hoang.
Vụ đông xuân 2016-2017, nông dân trong tỉnh gieo sạ 26.000ha. Do phải gieo sạ muộn nên người dân cần chọn giống ngắn ngày, áp dụng các phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý, giảm lượng giống sạ xuống khoảng 100kg/ha; vùng chủ động được nước tưới tiêu thì sạ hàng, sạ thưa với lượng giống 80-100kg/ha và 40-50kg/ha đối với lúa lai.
ThS Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh |
MẠNH LÊ TRÂM