Thứ Tư, 06/11/2024 23:36 CH
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên:
Tập trung đầu tư sản phẩm chủ lực, có lợi thế địa phương
Thứ Ba, 27/12/2016 07:58 SA

Các doanh nghiệp kinh doanh thủy hải sản cần liên kết với ngư dân trong khai thác và thu mua, chế biến theo hướng chuỗi giá trị gia tăng - Ảnh: ANH NGỌC

Việc triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên bước đầu đã mang lại một số kết quả. Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh mang lại hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung đề án cho phù hợp với thực tế địa phương; trong đó xác định giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

 

Tốc độ tái cơ cấu còn chậm

 

Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VII, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chỉ đạo: “Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; tổ chức rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, có lợi thế địa phương; chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; kiểm soát tốt dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất… Ngoài việc đầu tư hạ tầng cần quan tâm đến vấn đề tổ chức sản xuất theo chuỗi, bám sát yêu cầu thị trường, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân”.

Theo Sở NN-PTNT, sau khoảng 1,5 năm triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã đạt được một số kết quả bước đầu. Về trồng trọt, năng suất, chất lượng và hiệu quả nhiều loại nông sản được nâng cao, giá trị sản phẩm thu được bình quân năm 2016 khoảng 67 triệu đồng/ha (tăng 3,8% so với năm 2015). Các địa phương đã chuyển đổi hơn 505ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, đồng thời áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nên hiệu quả mang lại cao hơn so với trước. Nhiều địa phương bước đầu triển khai mô hình cánh đồng lớn thành công, đặc biệt đối với hai loại cây mía và sắn thông qua hợp đồng đầu tư, thu mua sản phẩm giữa các nhà máy chế biến với nông dân. Ở lĩnh vực chăn nuôi, giá trị sản xuất năm 2016 đạt trên 1.800 tỉ đồng (tăng 11,5% so với năm 2015). Về lâm nghiệp, năm 2016 trồng mới khoảng 5.000ha rừng và khai thác khoảng 78.000m3 gỗ rừng trồng, hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng rừng sản xuất ngày càng tăng cao. Ngành Thủy sản, năm 2016 giá trị sản xuất đạt gần 3.500 tỉ đồng (tăng 4,8% so với năm 2015), cơ cấu sản phẩm các loại thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao như cua, ghẹ, hàu, ốc hương… tăng mạnh. Phú Yên tiếp tục cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản theo hướng tăng số nghề khai thác có hiệu quả, giảm các nghề khai thác kém hiệu quả, nhất là nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản gần bờ.

 

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: “Việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa cũng như đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, mang lại năng suất cao. Đối với cây lúa, huyện Sông Hinh đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích khoảng 120ha. Lúa cho năng suất khoảng 75 tạ/ha, có nơi thâm canh tốt năng suất đạt khoảng 80 tạ/ha, nhưng chi phí sản xuất mỗi vụ giảm 30%. Đối với các vùng chuyên canh mía trên địa bàn huyện, nhất là xã Ea Ly có năng suất tăng từ 60 tấn/ha lên 80 tấn/ha. Việc chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi phù hợp đã góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ổn định, bền vững”.

 

Nói về những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng điều này đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất của toàn ngành, nâng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp của tỉnh còn chậm, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất đối với nông dân trên địa bàn tỉnh còn thiếu đồng bộ, tỉ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất và thu hoạch đạt thấp. Một thực trạng hiện nay đối với Phú Yên là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển rất chậm và thiếu đồng bộ, vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn triệt để. Một khó khăn khác đối với Phú Yên là vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các nông ngư dân chưa có sự liên kết bền vững với các doanh nghiệp thu mua nên nông sản thường bị ép giá, thiếu ổn định.

 

Tỉnh có chủ trương quy hoạch và đầu tư các vùng nuôi tôm theo hướng an toàn dịch bệnh, thân thiện môi trường - Ảnh: ANH NGỌC

 

Cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp

 

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng, sở đã tham mưu cho tỉnh một số giải pháp để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Theo đó, trồng trọt sẽ phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng giống và kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản phẩm an toàn gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng lãnh thổ. Đồng thời, các địa phương sớm chuyển đổi số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Đối với chăn nuôi, cần phát triển tập trung, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại với quy mô lớn, nuôi khép kín áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thủy sản cần tiếp tục ổn định quy mô diện tích nuôi trồng được quy hoạch khoảng 11.095ha, nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm. Đồng thời tiếp tục đóng mới, từng bước hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ thủy sản đồng bộ, phát triển các hình thức liên doanh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà cho biết: Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 6 kế hoạch cụ thể hóa đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo từng tiểu ngành, lĩnh vực cụ thể và ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp như hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, phát triển giống lúa, hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn ở các xã… Tuy nhiên, việc triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên còn chậm và lúng túng. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 đã dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, trong đó xác định nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc triển khai đề án này. Thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT kiểm tra, rà soát các nội dung của đề án để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, trong đó xác định giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời phân công rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành triển khai thực hiện với từng nội dung cụ thể để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đề án này.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek