Chủ Nhật, 12/01/2025 03:46 SA
Người trồng rau màu trắng tay vì lũ
Thứ Bảy, 24/12/2016 08:28 SA

Nông dân xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa gặp nhiều khó khăn tái sản xuất sau lũ - Ảnh: THỦY TIÊN

Sau nhiều trận lũ lụt từ đầu tháng 11 đến nay, các vùng chuyên canh rau màu ở các xã Hòa Kiến, Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) và Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) bị nước lũ tàn phá nặng nề. Lũ chồng lũ khiến các hộ dân trồng rau màu thiệt đơn, thiệt kép và trắng tay.

 

Tan hoang những vựa rau màu

 

Theo UBND xã Hòa Kiến, năm nay lũ xuất hiện muộn và kéo dài, vùng chuyên canh rau màu của địa phương bị lũ tàn phá nặng nề. Tất cả các hộ trồng rau màu đều bị thiệt hại, hộ ít cũng mất 20 triệu đồng, hộ nhiều thì cả trăm triệu đồng. Dịp tết sắp tới, vùng rau màu Hòa Kiến khả năng chẳng có gì để bán, bà con không có nguồn thu nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Địa phương đã kiến nghị lên các cấp, ngành xin hỗ trợ vốn, giống để người dân tái sản xuất.

Tại vùng chuyên canh rau màu ở các thôn Sơn Thọ, Cẩm Tú, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), những ngày sau lũ, các hộ dân ở đây đang tập trung ra ruộng để cứu vớt những luống hành, giàn dưa còn sót lại trên đồng. Ông Võ Kim Quy ở thôn Sơn Thọ, cho biết: Sau khi lũ rút, tôi thuê 10 nhân công tập trung thu hoạch số hành còn sót trên ruộng (6 sào hành) đang vào kỳ thu hoạch, đem về rửa sạch để bán. Nhưng do hành bị ngâm nước nên sau khi nhổ về cây úng nhũng bán không được, mất thêm gần 2 triệu đồng tiền công. Còn 4 sào ớt, gia đình tôi tận thu lại được một ít. Tính ra, vụ này gia đình bị mất gần 100 triệu đồng vốn đầu tư. Nếu không bị lũ thì 10 sào hành và ớt này gia đình tôi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

 

Còn bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, cho hay: Năm nay, gia đình tôi trồng 3 sào cà và đỗ que, 3 sào dưa leo, 5 sào hành lá, 3 sào hoa lay ơn. Sau trận lũ đầu tiên, 3 sào lay ơn bị ngã sát ruộng, các diện tích trồng rau dưa thì tan hoang. Gia đình tôi phải thuê thêm người sửa sang cứu lại các luống lay ơn; đồng thời bón thêm phân thuốc dưỡng lại mấy sào dưa, đậu. Sau gần một tháng chăm sóc, cây lay ơn đang lấy lại sức, vươn đọt thì lũ lại ập về làm hư hại. Sau đợt lũ này, toàn bộ hoa màu, giàn cây chống, bạt phủ đều bị lũ cuốn trôi. Theo bà Thu, để trồng 14 sào hoa màu (đã xuống giống được hơn 20 ngày) gia đình bà phải đầu tư hơn 100 triệu đồng tiền giống và phân thuốc, dự kiến sẽ thu hoạch bán vào dịp tết, bây giờ lũ lấy sạch.

 

Cạnh vườn bà Thu, vườn dưa leo, khổ qua của gia đình ông Nguyễn Tiến Khoa cũng tan tác sau lũ. Theo ông Khoa, năm nay, gia đình ông trồng 10 sào dưa leo và 10 sào khổ qua để bán dịp tết. Dưa leo đã đậu trái, khoảng 10 ngày nữa bắt đầu hái, dự kiến mùa thu hoạch sẽ kéo dài qua tết là kết thúc. Còn khổ qua thì đang ra nụ, ước chừng 15 ngày tới sẽ có thu. Bất ngờ lũ ập về, nước lũ cuốn phăng cả vườn dưa leo, tất cả cây chống giàn, cước, bạt phủ cũng bị dọn sạch. Không chỉ vậy, nước lũ còn đẩy về hàng tấn đất đá, lấp dày 3 sào dưa leo của gia đình ông. Ông Khoa cho hay: Đây là lần thứ hai gia đình tôi bị mất giống. Đợt lũ đầu tháng 11, các luống dưa leo và khổ qua vừa xuống giống được 20 ngày thì gặp lũ, tất cả đều bị cuốn trôi. Sau lũ, gia đình tôi phải tốn công dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lại để kịp vụ tết. Không ngờ lần này cũng vậy, toàn bộ hoa màu bị nước lũ cuốn sạch. Để trồng 10 sào dưa leo, gia đình tôi đã đầu tư 40 triệu đồng tiền giống, bạt, giàn cây và phân thuốc; còn 10 sào khổ qua, chi phí lên đến 50 triệu đồng.

 

Trong đợt lũ vừa qua, nước từ suối Cái hung hãn đổi dòng lấn sâu về phía bờ hữu cũng đã cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân các thôn Cẩm Tú và Sơn Thọ. Ông Võ Kim Quy cho hay: Gần 3 sào đất trồng hành của gia đình bị lũ cuốn phăng xuống lòng suối. Mất hoa màu đã đành, giờ còn mất luôn cả đất sản xuất.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến Tô Văn Toản cho biết: Ảnh hưởng bởi mưa lũ, toàn xã có gần 57ha hoa màu tập trung ở hai thôn Cẩm Tú, Sơn Thọ bị thiệt hại từ 70-100%, hàng chục hécta đất sản xuất của người dân bị đất đá bồi lấp với khối lượng khoảng 13.000m3.

 

Trong khi đó, tại vùng trồng hoa màu ở thôn Ngọc Sơn Đông, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), mấy ngày qua, tranh thủ thời tiết hảnh nắng, bà con sang sửa lại vườn. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, 4 sào dưa leo, khổ qua và đỗ que đang kỳ đậu trái bị nước lũ phá tan hoang. Bây giờ, gia đình bà tập trung sửa chữa lại giàn khổ qua, dây nào hư thì bứt bỏ, dây nào còn thì bón phân thuốc để cứu. Ông Nguyễn Nỹ, Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc, cho hay: Toàn xã có khoảng 50ha hoa và rau màu bị hư hại do lũ gây ra, trong đó hoa lay ơn bị hư khoảng 40%, rau màu hư 75%.

 

Tái sản xuất với nhiều khó khăn

 

Đợt lũ đầu đi qua, nhiều gia đình gắng gượng, tiếp tục đầu tư xuống giống để tái sản xuất với hy vọng thu hoạch bán kịp dịp tết, gỡ lại tiền vốn đầu tư đã mất. Không ngờ, lũ lại tiếp tục đổ về gây thiệt hại nặng nề hơn. Bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Cẩm Tú, cho biết: Qua đợt lũ đầu, trong nhà còn đồng nào, gia đình đều mua giống trồng xuống đất để rồi lũ lại cuốn đi. Vụ màu này, gia đình đã mất cả trăm triệu đồng, giờ chẳng lấy đâu ra vốn để tái sản xuất nữa. Không còn tiền trồng màu, vừa qua, tôi dọn đất, vun giồng, mua mấy bịch hạt cải giống gieo xuống nhưng gặp mưa lớn, hạt giống cũng trôi sạch. Tết này, gia đình chẳng lấy đâu ra tiền để mua sắm đồ cho các con.

 

Còn theo ông Nguyễn Tiến Khoa, qua hai đợt lũ, gia đình ông cũng mất gần 100 triệu đồng. Bây giờ, không trồng lại thì không còn nguồn thu bởi nghề làm rau màu này đã theo gia đình ông cả chục năm nay. Vừa qua, ông phải chạy vay mượn thêm vốn để tái đầu tư. Nhằm tiết kiệm chi phí, ông không thuê nhân công mà huy động người trong gia đình làm. Hiện gia đình ông đã cắm giàn, giăng cước, phủ bạt, còn cây giống ông đã ươm sẵn bây giờ đưa ra cấy.

 

Theo những nông dân này, sau lũ chồng lũ, người dân đã không còn vốn tái sản xuất; hầu hết bà con phải vay mượn để đầu tư nhưng giá cả vật tư thì lại tăng cao và khan hiếm. Hiện cây lồ ô chống giàn tăng từ 3.000 lên 3.500 đồng/cây (1 sào sử dụng 400 cây), bạt phủ 210.000 đồng/ cuộn (dùng cho 1 sào), hành giống 100.000 đồng/kg... Ông Đỗ Văn Quý ở thôn Sơn Thọ, cho biết: 10 sào hành trồng thu hoạch dịp tết giờ đã hư sạch, gia đình tôi phải làm đất để trồng lại. Tuy nhiên, giá hành giống đang tăng cao 100.000 đồng/ kg. Bình quân, mỗi sào hành tốn khoảng 200kg giống, cộng với các chi phí phân thuốc, cày đất... vốn đầu tư mỗi sào khoảng 10 triệu đồng. Khi nhu cầu tái sản xuất của người dân tăng cao thì nguồn giống lại khan nên không đủ đáp ứng nhu cầu. Theo ông Quý, vừa rồi, ông đặt mua 600kg hành giống ở Bình Định về trồng nhưng thương lái chỉ cung cấp được 400kg, đủ trồng 2 sào, số diện tích hành mới trồng lại này phải qua tết mới thu hoạch.

 

Cũng theo những nông dân này, diện tích đất bị lũ bồi lấp quá nhiều không thể nạo vét thủ công. Bà con kiến nghị cấp trên hỗ trợ đưa thiết bị cơ giới vào nạo vét đồng ruộng giúp người dân tái sản xuất để ổn định cuộc sống sau lũ.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek