Chủ Nhật, 12/01/2025 05:17 SA
Những “diễn viên” của ngành Điện
Thứ Sáu, 23/12/2016 13:00 CH

Anh Nguyễn Di Linh, nhân viên Điện lực Tây Hòa, kiểm tra thiết bị sử dụng điện tại xã Hòa Phong - Ảnh: HOA HỒNG

Với lòng yêu nghề, không sợ khó khăn, các nhân viên kiểm tra giám sát mua bán điện của Công ty Điện lực Phú Yên đã không quản ngày đêm nhập nhiều “vai diễn” khác nhau để phát hiện hành vi trộm cắp điện của khách hàng.

 

Nhập nhiều “vai diễn”

 

Anh Nguyễn Di Linh, nhân viên Điện lực Tây Hòa kể, có vụ khách hàng ăn trộm điện ở nhà vườn, nhưng qua theo dõi nhiều lần vẫn không bắt được vi phạm. Anh cùng đồng nghiệp phải giả người châm cá, lội qua sông để vào được vườn và bắt trộm cắp điện. Vụ khác, anh sắm vai người mua chim cu. Sau một hồi làm quen với chủ nhà, hỏi thăm về thói quen, về cách cho ăn, rồi dần tiến đến công tơ điện, xuất trình thẻ kiểm tra viên và bắt hành vi trộm điện của khách hàng. Để vào các “vai diễn” này, anh Linh phải tìm hiểu kiến thức về châm cá, về nuôi chim cu và chuẩn bị “đạo cụ” đầy đủ thì mới giao tiếp, làm quen với chủ nhà và có điều kiện tiếp cận hiện trường. Các anh không quản ngại gian khổ, nhiều khi phải dầm mưa hàng giờ liền để “vào vai”, khiến người vi phạm sử dụng điện phải kinh ngạc.

 

Chưa dừng lại ở đó, trong vai người đi mua dép, anh Phan Thanh Bình, nhân viên Điện lực Tuy An, diễn như thật. Anh quanh qua quẩn lại, trả giá, so bì nhằm kéo dài thời gian cho đồng nghiệp tác nghiệp trên sân thượng nhà. Nghe chuông điện thoại: “Xong rồi Bình ơi!”, anh lập tức rút thẻ kiểm tra viên điện lực. Khách hàng vội chạy lên sân thượng nhằm phi tang chứng cứ nhưng với giọng cương quyết: “Lực lượng chúng tôi đã ở trên đấy rồi”. Vậy là khách hàng phải nhận sai phạm trước các “diễn viên” nghiệp dư này.

 

Trường hợp khác, anh Trần Văn Huynh, Giám đốc Điện lực Tuy An, kể: “Với kinh nghiệm tích lũy được từ những năm làm nhân viên kiểm tra giám sát của Công ty Điện lực Phú Yên, chúng tôi đã nhiều lần giả nhiều dạng người để xông pha bắt trộm điện. Tôi nhớ nhất là vụ cải trang thành những người đi thuê trọ, phải ở lại đến ba ngày liền. Sáng đi kiểm tra hộ dân, tối về ngủ, kịch bản đó được lặp đi lặp lại hai đêm. Chủ nhà tưởng là dân trọ thật, không mảy may nghi ngờ. Ngay trong đêm thứ ba, khách hàng đã phải nhận tội mà không tránh được sự ngỡ ngàng”. Trong vụ bắt trộm cắp điện lớn với sản lượng truy thu hơn 14.000kWh tại huyện Đồng Xuân, các nhân viên ngành Điện cũng vào vai những người đi tập thể dục buổi tối để tiếp cận, nắm tình hình. Như dự đoán, khoảng 19 giờ 45, “cá đã cắn câu” và các anh đã phát hiện hành vi vi phạm của khách hàng.

 

Tâm sự của người trong cuộc

 

Nhiều người nghĩ rằng, làm nghề giám sát đơn giản, ngày nào cũng đi rông ngoài đường, hết chỗ nọ qua chỗ kia, thời gian rảnh rỗi. Nhưng họ đâu biết rằng, đó chính là nhiệm vụ của các nhân viên ngành Điện. Có anh tâm sự, bị bệnh nghề nghiệp, cứ thấy trụ điện là ngước mặt lên nhìn. Vậy là mọi người cứ tưởng anh kiêu ngạo, lúc nào cũng ngẩng mặt lên trời không thèm chào hỏi người khác. Có lúc chở người yêu đi chơi, mặt lúc nào cũng lầm lì vì đang đi qua một nhà có nghi ngờ trộm cắp điện. Hay lỗi hẹn với vợ con về một việc gì đó khi có đồng nghiệp gọi cho biết mới phát hiện một vụ vi phạm điện. Thế đấy, nghề của các anh - nếu không hiểu và cảm thông thì các anh khó hoàn thành nhiệm vụ.

 

Anh Linh bộc bạch: Trong cốp xe của tôi lúc nào cũng có một cái mũ và một bộ quần áo để cải trang thành dân thường nhằm tìm hiểu đối tượng cho dễ. Còn anh Lê Tấn Hiền, nhân viên Điện lực Đông Hòa, thì cho biết đạo cụ để “diễn” của anh là chiếc điện thoại thông minh, có chức năng chụp ảnh và ghi âm nhằm thuận lợi tác nghiệp. Đối với anh Phan Thanh Bình thì lại khác, anh trang bị cho mình nhiều kiến thức về nghề để làm sao thuyết phục khách hàng ký vào biên bản vi phạm với phương châm tâm phục khẩu phục, đồng thời cũng để hướng dẫn khách hàng cách sử dụng điện an toàn và hiệu quả.

 

Tuy chuẩn bị kỹ nhưng khá nhiều lần, các anh gặp khó khăn trong vai diễn. Anh Linh kể, có người mách vợ anh là thấy anh đi rông ngoài đường suốt, có những đêm không ở nhà mà cứ đi đâu đó làm ra vẻ bí mật lắm. Rồi có những lần bắt trộm điện trong đêm, anh gặp khách hàng hung dữ phá bỏ hiện trường, cầm dao đe dọa, xua chó cắn; rồi có những lần anh bị khách hàng rượt đánh, ngã xe trầy mặt và tay chân. “Nghề nguy hiểm nên phải là người có tâm, có trách nhiệm mới làm được. Giờ còn trẻ nên phải năng nổ”, anh Linh tâm sự.

 

Còn anh Hiền cho biết thêm, công việc của các anh khá căng thẳng và vất vả. Tuy nhiên, trong cái khó cũng ló cái khôn. Khi giao tiếp, các anh phải “lúc đấm, lúc xoa” miễn sao thuyết phục được khách hàng. Trong vụ phát hiện 72 khách hàng trộm cắp điện, người dân cứ cho rằng họ bị đối tượng xấu lừa, giúp mình gắn thiết bị tiết kiệm điện. Vậy nên, nếu không biết cách khai thác và thuyết phục thì người dân không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

 

Ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: “Thời gian qua, lực lượng kiểm tra giám sát của công ty với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề đã có nhiều sáng kiến và lập nên thành tích trong phát hiện hành vi trộm cắp điện. Thời gian đến, lực lượng này không chỉ kiểm tra trên địa bàn mình quản lý mà còn tập trung kiểm tra tại các điểm nóng có dấu hiệu vi phạm trên toàn tỉnh”.

 

HOA HỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek