5 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc, Phú Yên đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho vùng dân tộc miền núi, từ đây giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 4-5%/năm.
Làm tốt công tác dân tộc nên hạ tầng cơ sở vùng miền núi Phú Yên được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống người dân - Ảnh: MINH DUYÊN |
Đạt kết quả tốt
5 năm qua, trên địa bàn tỉnh, từ nguồn vốn chính sách cho vùng dân tộc miền núi, hơn 200 công trình phục vụ dân sinh, sinh hoạt cộng đồng vùng miền núi dân tộc thiểu số được đưa vào sử dụng, trong đó có 58 công trình giao thông, 32 công trình trường học, 30 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 79 công trình nước sinh hoạt… Ông Lê Văn Tấn, Phó Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, cho biết: Cấp thiết nhất đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm nay là vấn đề nước sinh hoạt. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng một công trình nước tập trung cần hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, ngân sách địa phương hạn chế, vùng miền núi dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế khó khăn nên việc huy động vốn góp là gần như không thể. Nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách cho vùng đồng bào thì huyện Sông Hinh không thể đưa vào sử dụng 5 công trình nước tập trung như hiện nay. Nhờ có các công trình nước này mà hàng ngàn hộ dân tại các xã Ea Ly, Đức Bình Đông, Ea Lâm, Ea Bá và xã Sông Hinh đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Các công trình hạ tầng được xây dựng, bộ mặt thôn buôn khang trang, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Ông Phạm Văn Trung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho hay: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách cho vùng dân tộc miền núi mà đồng bào Ba Na, Chăm Hroi… ở các thôn của xã Phú Mỡ có nhà sinh hoạt cộng đồng; xã Xuân Lãnh có khu tái định cư ổn định; các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Phước, Đa Lộc… có đường bê tông nông thôn kéo tới tận thôn buôn. Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thông qua các chính sách, chương trình, nghị quyết tập trung hỗ trợ cho người nghèo, vùng nghèo đã giảm tỉ lệ hộ nghèo từ gần 85% năm 2011 xuống còn 77% năm 2015, vấn đề thiếu đói cơ bản đã được giải quyết.
Người dân vùng miền núi, đặc biệt là các hộ nghèo còn được hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện thoát nghèo, nâng cao đời sống. Theo La Lan Tí ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), nếu không được hỗ trợ cây, con giống, được vay vốn ưu đãi thì sản xuất nông nghiệp của gia đình chị không được như hôm nay. “Từ hộ nghèo, giờ tôi đã có 3ha đất rẫy trồng mía, cho lãi hơn 60 triệu đồng/vụ. Gia đình tôi đã thoát nghèo, trở thành hộ khá nhờ sự giúp đỡ của chính sách dân tộc”, La Lan Tí nói.
Nhiều cách làm hay
Để những chính sách dân tộc phát huy hiệu quả trong cuộc sống, các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt quản lý nguồn vốn ngân sách. Huyện Sông Hinh thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đảm bảo quy hoạch hạ tầng cơ sở chung tại các xã trên địa bàn huyện. Theo ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất là hai mục tiêu lớn mà các chính sách dân tộc hướng tới trong 5 năm qua. Vì vậy, để phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương, UBND huyện đã ghép các nguồn vốn để tăng số vốn, đảm bảo đủ vốn cho các công trình nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa giữa các vùng dân cư trên địa bàn. 5 năm qua, địa phương đã lồng ghép 8 nguồn vốn có tổng số vốn hơn 483 tỉ đồng. Từ đây, 60 công trình giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, cấp nước, giáo dục, thủy lợi, điện... được xây dựng và 2.000 hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống, làm chuồng trại chăn nuôi, được cấp phát phân thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ phát triển sản xuất.
Còn huyện Sơn Hòa thực hiện phân cấp quản lý theo năng lực cán bộ ở từng cấp chính quyền để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đúng lộ trình. Ông Nay Y BLung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Vốn xây dựng hạ tầng cơ sở chủ yếu do cấp huyện làm chủ đầu tư, bởi xây dựng các công trình ở vùng đặc biệt khó khăn với địa hình phức tạp đòi hỏi cấp quản lý phải có chuyên môn về xây dựng, trong khi đó năng lực cán bộ cấp xã về lĩnh vực này còn rất hạn chế. Cấp xã phù hợp với quản lý sản xuất nên UBND huyện giao UBND các xã quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trong những năm qua, chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ nghèo không có đất gặp khó do diện tích đất hoang hóa ở các địa phương không còn. Để khắc phục, chính quyền các cấp chuyển từ hỗ trợ đất sang cho vay cải tạo đất hoặc cho thuê đất sản xuất từ quỹ đất dự phòng của xã. La Lan Mến ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) thiếu đất nhưng nhờ được vay vốn cải tạo đất đã mở rộng được diện tích sản xuất. “Tôi được vay hỗ trợ 30 triệu đồng để dọn đá trên phần diện tích canh tác 5.000m2 của gia đình. Diện tích được mở rộng nên sản lượng mía năm nay tăng, cho gia đình tôi thu nhập 50-100 triệu đồng/vụ.
Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh triển khai hơn 10 nhóm chính sách và chương trình cho vùng dân tộc miền núi, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, định canh định cư, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, vay vốn tín dụng, chính sách về GD-ĐT, y tế, cán bộ người dân tộc, ưu đãi cho người uy tín… Tổng nguồn vốn hỗ trợ từ năm 2011 đến nay hơn 1.000 tỉ đồng. Nhờ đó, 510 hộ có chỗ ở ổn định tại 9 khu định canh định cư, gần 4.000 hộ có nước sinh hoạt, hàng ngàn hộ được hỗ trợ sản xuất…
Ông KPă Út, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh |
MINH DUYÊN