Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, huyện Tây Hòa đã đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tăng giá trị, hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp
Với đặc thù là huyện thuần nông, trong thời gian qua, huyện Tây Hòa đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế. Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, một trong những loại cây trồng trọng điểm của huyện là cây lúa, với tổng diện tích sản xuất hàng năm hơn 13.400ha. Để tăng năng suất cho cây lúa, thời gian qua, huyện Tây Hòa triển khai nhiều mô hình điểm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh như các mô hình: Sản xuất lúa giống nông hộ, cánh đồng lúa liên kết canh tác hữu cơ, cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng... Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Tân Tây, cho biết: Nhiều năm qua, HTX đã liên kết với Công ty CP Giống và cây trồng Nha Hố triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa giống áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ trên diện tích 60ha. Giống lúa được trồng trong mô hình gồm ML48 và TH6 do công ty này cung cấp. Các hộ dân tham gia mô hình trồng lúa theo yêu cầu kỹ thuật của công ty đảm bảo hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện khử lẫn để lúa thu hoạch đạt chuẩn về chất lượng. Toàn bộ sản lượng lúa tươi sau thu hoạch được Công ty CP Giống và cây trồng Nha Hố bao tiêu tại ruộng với giá tương đương giá lúa đã phơi khô cùng thời điểm.
Ông Võ Đệ ở xã Hòa Tân Tây, cho hay: Gia đình tôi có hơn 2ha đất chuyên canh cây lúa. Trước đây, tôi chỉ trồng lúa thịt, năng suất bình quân khoảng 65tạ/ha, giá lúa bình quân khoảng 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi vụ lúa lãi được 17 triệu đồng. Hơn 3 năm nay, khi tôi tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa giống của HTX, 8 sào lúa sản xuất trong mô hình được canh tác đúng kỹ thuật, giống lúa gieo sạ đạt chất lượng nên cây lúa phát triển rất tốt, năng suất tăng cao, bình quân khoảng 80 tạ/ha, cao hơn lúc trước 15 tạ/ha. Bình quân, 8 sào lúa giống này mỗi vụ cho lãi khoảng 10 triệu đồng.
Không riêng Hòa Tân Tây, trong các vụ đông xuân và hè thu 2015-2016, các xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Phong, Hòa Mỹ Đông và Hòa Đồng cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm trên diện tích 135ha. Mô hình này giúp tăng giá trị cho cây lúa và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Ngoài cây lúa, các loại cây trồng khác như sắn, tiêu, rau màu, đậu, bắp... cũng được người dân mở rộng diện tích sản xuất. Song song đó, huyện Tây Hòa còn xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả như nuôi bò lai sinh sản, bò lai hướng thịt, heo chuyên thịt theo hướng an toàn sinh học, nuôi gà trên đệm lót sinh học... Hiện đàn trâu, bò của huyện có hơn 27.000 con, đàn heo hơn 14.100 con, đàn gia cầm 619.000 con. Bình quân, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 6.100 tấn thịt gia súc, gia cầm và gần 22 triệu quả trứng. Ông Lê Văn Khải ở xã Hòa Tân Tây, cho hay: Gia đình tôi chuyển từ nuôi bò cỏ sang nuôi bò lai khoảng 5 năm nay, nhờ vậy giá trị kinh tế từ nuôi bò cũng tăng cao. Hiện đàn bò của nhà tôi có 8 con với các giống bò chuyên thịt BBB, bò Pháp và bò lai Sind, mỗi năm lãi 100 triệu đồng.
Hình thành các vùng chuyên canh
Bên cạnh việc triển khai nhiều mô hình điểm, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để học tập và ứng dụng vào sản xuất. Thời gian qua, huyện Tây Hòa còn chú trọng quy hoạch và xây dựng nhiều vùng chuyên canh cây trồng. Hiện nay, huyện Tây Hòa có vùng chuyên canh cây tiêu rộng hơn 600ha tại các xã Sơn Thành Tây và Sơn Thành Đông với diện tích tiêu vào kỳ kinh doanh khoảng 400ha. Bà Lê Thị Hồng, một hộ trồng tiêu ở xã Sơn Thành Đông, cho biết: Nhờ tiêu được trồng thành vùng nên việc tiêu thụ rất thuận lợi. Vào mùa thu hoạch, tiêu sau khi hái xong đã có thương lái tìm đến tận nhà xem hàng và mua. Năm nay, gia đình tôi thu hoạch 1ha tiêu được 2,7 tấn, cho thu nhập hơn 460 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng.
Còn tại các xã Hòa Bình 1, Hòa Phú, Hòa Phong và thị trấn Phú Thứ hình thành được nhiều vùng chuyên canh hoa màu trên đất lúa kém hiệu quả với diện tích canh tác lên đến 1.200ha. Theo UBND xã Hòa Bình 1, hiện nay xã đã xây dựng được một số khu đồng chuyên canh hoa màu với diện tích hơn 171ha chuyên trồng các loại dưa hấu phủ bạt, bắp lai, bí xanh, dưa leo, khổ qua... Bình quân, mỗi sào đất trồng màu ở đây cho thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, nhiều năm nay, tận dụng vùng bãi bồi sông Ba, nông dân các xã Hòa Bình 1, Hòa Bình 2 xây dựng nhiều khu trại, trồng cỏ để nuôi bò, trở thành khu vực chăn nuôi bò tập trung của địa phương với tổng đàn bò được nuôi tại đây với hơn 500 con.
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế của mũi nhọn của huyện, thời gian qua, huyện Tây Hòa tập trung đầu tư, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả hướng dẫn cho người dân; trong đó chú trọng phát triển những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng. Đồng thời, địa phương cũng xây dựng một số vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp để tạo thuận lợi trong công tác quản lý, tiêu thụ nông sản, phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
THỦY TIÊN