Thứ Hai, 30/09/2024 06:32 SA
Bộ trưởng Bộ nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát:
Sẽ hỗ trợ Phú Yên phòng trừ bệnh gia súc, tôm hùm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi
Thứ Ba, 25/09/2007 10:30 SA

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa về làm việc tại tỉnh Phú Yên. Sau khi trực tiếp đi khảo sát nắm tình hình phát triển thủy sản ở Phú Yên, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định:

 

- Thủy sản là một ngành rất quan trọng của tỉnh Phú Yên. Chính quyền địa phương cùng ngư dân đã khai thác có hiệu quả về lợi thế, tiềm năng mặt nước, ngư trường để phát triển nuôi trồng các loại thuỷ sản có giá trị, đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, nghề câu cá ngừ đại dương đã trở thành điển hình trong cả nước, góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội ở các làng biển Phú Yên. Tuy nhiên, tình hình khai thác, nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở Phú Yên vẫn chưa phát triển ổn định và bền vững, Trong thời gian gần đây, ngành thuỷ sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn, khi nghề nuôi tôm sú, tôm hùm liên tục bị dịch bệnh gây thiệt hại nặng cho người dân…

 

TẬP TRUNG CAO ĐỘ PHÒNG CHỐNG BỆNH TÔM HÙM, XÂY DỰNG HỆ THỐNG THỦY LỢI CHO NUÔI TRỒNG

 

* Hiện ngành thuỷ sản Phú Yên đang đứng trước thách thức của dịch bệnh tôm hùm với từ 45 – 50% số lượng tôm nuôi bị bệnh chết. Bộ NN và PTNT có giải pháp gì để hỗ trợ Phú Yên phòng chống dứt điểm bệnh tôm hùm, thưa Bộ trưởng?

 

070925-BO-TRUONG5.jpg

Bộ trưởng Cao Đức Phát

- Trọng tâm của tôi trong chuyến công tác lần này là nắm tình hình phát triển kinh tế thuỷ sản, đặc biệt là dịch bệnh tôm hùm ở Phú Yên. Tôm hùm có giá trị khẩu rất lớn, mang lại nguồn thu lớn cho ngư dân. Thế nhưng, qua khảo sát thực tế và chứng kiến tôm hùm bị chết hàng loạt ở vịnh Xuân Đài (huyện Sông Cầu), tôi nhận thấy nghề này đang thật sự đứng trước những khó khăn của dịch bệnh, gây hoang mang, lo lắng cho người nuôi. Do vậy, việc giúp bà con ngư dân phòng chống dịch bệnh tôm hùm là một yêu cầu rất cấp bách.

 

Tôi sẽ chỉ đạo cho các Viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước của bộ phải tập trung cao độ cùng chính quyền địa phương tìm ra nguyên nhân tôm bệnh và có giải pháp phòng chống hữu hiệu. Trong trường hợp cần thiết thì yêu cầu sự hỗ trợ của quốc tế trong phòng chống tôm bệnh ở Phú Yên. Trước mắt, theo tôi, chính quyền địa phương cần phải có sự tăng cường cán bộ theo dõi bệnh tôm hùm, hướng dẫn bà con sử dụng thức ăn, cách nuôi, phát hiện tôm hùm bệnh để cách ly kịp thời để hạn chế lây lan sang các lồng bè khác…

 

* Cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là hệ thống thuỷ lợi ở các đồng tôm sú ở Phú Yên còn rất yếu kém. Bộ NN và PTNT có chính sách gì để hỗ trợ Phú Yên xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi đảm bảo phục vụ cho nhu cầu phát triển nghề nuôi, thưa Bộ trưởng?

 

- Hiện nay, việc xây dựng các công trình thuỷ lợi không chỉ đáp ứng cho yêu cầu về phát triển nông nghiệp, mà còn phải đáp ứng cho nhu cầu sản xuất NTTS cũng như là phát triển công nghiệp dịch vụ trong tương lai. Do vậy, Bộ cùng với tỉnh Phú Yên sẽ rà soát lại các công trình thuỷ lợi ở vùng ven biển, triển khai ngay việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình thuỷ lợi phục vụ cho nhu cầu phát triển NTTS.

 

 * Bộ Thủy sản (cũ) đã hứa xây dựng một Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Phú Yên và có chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ở Phú Yên. Tới đây Bộ NN và PTNT có tiếp tục xúc tiến các chương trình này không, thưa Bộ trưởng?

 

- Những chủ trương mà Bộ Thuỷ sản đã thống nhất với tỉnh Phú Yên thì Bộ NN - PTNT sẽ tiếp thu và tiếp tục xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. Về mặt chủ trương thì Bộ rất ủng hộ việc xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Phú Yên. Vấn đề đặt ra là tỉnh cần khẩn trương lập dự án để trình Trung ương có chính sách đầu tư trong thời gian sớm nhất. Về chế biến thuỷ sản ở Phú Yên vẫn còn nhiều yếu kém, do vậy Bộ cũng sẽ tham gia vận động các doanh nghiệp có uy tín trong nước đầu tư xây dựng và phát triển các nhà máy chế biến thuỷ sản ở Phú Yên, nhằm giúp cho bà con tiêu thụ tốt hơn các sản phẩm làm ra.

 

070925-ca-mu.jpg

Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Việt Nam - Đài Loan nuôi cá mú ở Vũng Sứ (Sông Cầu) - Ảnh: NL

 

KHỐNG CHẾ DỊCH BỆNH GIA SÚC, HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG CHO CÁC HTX NÔNG NGHIỆP

 

* Phú Yên là tỉnh thường xuyên xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc. Tuy nhiên vì sao Bộ NN và PTNT không đưa Phú Yên vào chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM, thưa Bộ trưởng?

 

- Sự khác nhau giữa vùng khống chế bệnh LMLM cũng như các vùng khác là mức độ hỗ trợ của Trung ương về mặt vaccine tiêm phòng. Nhưng hỗ trợ vaccine chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề quan trọng là phải dựa vào tình trạng dịch bệnh LMLM để phòng trị một cách hữu hiệu. Theo tôi, trước hết, chúng ta cần chấn chỉnh lại hệ thống cán bộ thú y ở cơ sở để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh xảy ra. Mặt khác tiến hành thực hiện nghiêm việc quy trình tiêm phòng vaccine cho gia súc. Nếu Phú Yên thiếu vaccine, Bộ sẽ hỗ trợ cho Phú Yên đủ lượng vaccine để tiêm phòng bệnh LMLM. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổng hợp ý kiến của các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có sự điều chỉnh phù hợp theo hướng tăng sự hỗ trợ vaccine cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

* Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, các HTX nông nghiệp ở Phú Yên gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất. Bộ có kế hoạch hỗ trợ như thế nào cho các HTX nông nghiệp duy trì sản xuất ổn định, thưa Bộ trưởng?

 

- Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp, cũng như các HTX khác nói chung. Tuy nhiên, qua khảo sát gần đây, việc thực hiện các chính sách rất hạn chế, thậm chí có nhiều chính sách của Chính phủ không được thực hiện. Theo tôi, vấn đề quan trong là Trung ương và chính quyền địa phương các cấp thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành. Nếu thực hiện đầy đủ đã là sự hỗ trợ lớn cho các HTX. Tới đây, các HTX nông nghiệp ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung sẽ được hôã trợ đầy đủ các chính sách bao gồm giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho vay vốn, hỗ trợ khoa học, đào tạo nhân lực…

 

* Hiện ở Phú Yên có 5 nông trường thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam hoạt động không hiệu quả, chiếm dụng đất đai lớn nhưng không sản xuất, gây lãng phí lớn. Bộ NN và PTNT làm gì để xử lý nhanh những tồn đọng của các nông trường trên, thưa Bộ trưởng?

 

- Bộ đã thống nhất với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam về tổ chức phương hướng hoạt động đối với từng nông trường cà phê trong cả nước. Về những tồn tại của các nông trường cà phê ở Phú Yên, ngay trong tuần tới Bộ sẽ chỉ đạo cho Tổng công ty cà phê làm việc với tỉnh Phú Yên để kiểm tra và có hướng xử lý cho từng nông trường cụ thể.

 

XÂY DỰNG NHANH CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, KÈ XÓI LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN

 

* Hiện có nhiều công trình thuỷ lợi ở Phú Yên do Bộ NN và PTNT làm chủ đầu tư như hồ Đồng Tròn, Mỹ Lâm… với tiến độ xây dựng quá chậm, Bộ sẽ xử lý khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

 

- Đối với hồ Đồng Tròn, trước đây Nhà nước có chủ trương Trung ương đầu tư công trình đầu mối và địa phương đầu tư hệ thống kênh mương, nhưng ngân sách địa phương có hạn, nên đến nay vẫn chưa xây dựng được hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất. Để phát huy hiệu quả công trình này, Bộ đã báo cáo với Thủ tướng chính phủ và sử dụng phần vốn ngân sách bố trí thông qua bộ để hỗ trợ cho Phú Yên xây dựng hệ thống kênh mương Đồng Tròn. Công việc này sẽ được khởi công trong tuần tới và cố gắng hoàn thành, đưa vào sử dụng giữa năm 2008. Tương tự, đối với các công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm, sử dụng nước sau thuỷ điện Sông Hinh, và một số công trình khác ở Phú Yên cũng đã được Chính phủ bố trí vốn đầu tư. Vấn đề vốn bây giờ không phải là yếu tố hàng đầu. Do vậy, vấán đề đặt ra là các cơ quan chức năng của bộ và chính quyền địa phương cần phối hợp giải phóng nhanh mặt bằng, làm các thủ tục để triển khai thi công.

 

* Phú Yên hiện có đến 9 công trình sạt lở bờ sông, bờ biển gây ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4.000 hộ dân, Bộ NN và PTNT có chính sách gì để hỗ trợ kinh phí cho Phú Yên xây dựng các kè chống xói lở bờ sông, bờ biển, thưa Bộ trưởng?

 

- Vấn đề sạt lở ven sông, ven biển hiện nay là một vấn đề lớn đang đặt ra cho tất cả các địa phương trong cả nước, với yêu cầu xử lý kỹ thuật rất cao, và cũng có liên quan đến vốn đầu tư lớn. Bộ sẽ cử các chuyên gia kỹ thuật để cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên rà soát, phân loại và làm rõ nguyên nhân vì sao sạt lở để xác định hướng giải quyết cụ thể cho từng điểm sạt lở. Trên cơ sở đó, xác định từng điểm ưu tiên khắc phục trước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cấp vốn đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở trong thời gian sớm nhất. Bộ cũng sẽ áp dụng giải pháp tình thế là hỗ trợ cho bà con di dời khỏi vùng sạt lở bờ sông, bờ biển, khi có sự cố lũ bão xảy ra.

 

NGUYÊN LƯU (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek