Ngành Thuế Phú Yên vừa phối hợp với các ngành liên quan hoàn tất việc dán tem niêm phong các cột đo xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với Báo Phú Yên về những phần việc liên quan sau hoạt động này để quản lý nguồn thu và chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Phó Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên Công Văn Lãnh cho biết:
Ông Công Văn Lãnh - Ảnh: VIỆT AN |
- Gần 1 tháng qua, tổ triển khai dán tem niêm phong cột đo xăng dầu của các huyện, thị xã, thành phố và của tỉnh với các thành viên là cán bộ thuế, quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH-CN) đã triển khai dán tem niêm phong 400 trụ bơm của 124 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc 96 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Riêng tại các cửa hàng của Chi nhánh Xăng dầu Phú Yên (Công ty Xăng dầu Phú Khánh), đơn vị này đã thực hiện quản lý đồng hồ công tơ tổng trụ bơm xăng dầu qua kết nối hệ thống máy vi tính nên không thực hiện dán tem.
Trong quá trình triển khai, hầu hết các chủ cửa hàng xăng dầu đều đồng thuận, tạo điều kiện để tổ triển khai dán tem thực hiện nhiệm vụ.
* Nhiều doanh nghiệp thắc mắc, trong quá trình sử dụng, nếu cột đo bị hỏng, phải sửa chữa thì họ phải làm thế nào để không ảnh hưởng đến tem niêm phong, thưa ông?
- Khi phát hiện cột đo bị hỏng, doanh nghiệp phải dừng việc sử dụng và không được tự ý bóc tem niêm phong; đồng thời phải thông báo qua điện thoại hoặc email đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp.
Khi tiếp nhận thông tin, cơ quan thuế phải cử công chức đến lập biên bản ghi nhận chỉ số đồng hồ tổng trên các cột đo và kiểm tra tình trạng tem niêm phong. Trường hợp vì lý do khách quan chưa thể đến trụ sở doanh nghiệp được thì công chức thuế nhận thông báo phải báo lại cho doanh nghiệp biết. Lúc đó, doanh nghiệp được phép tự khắc phục, kèm với biên bản ghi nhận lại chỉ số đồng hồ tổng tại thời điểm cột đo bị hư hỏng cần sửa chữa, số lượng xăng dầu đã bán ra trong thời gian tự khắc phục và tự chịu trách nhiệm về sự chính xác của số liệu báo cáo.
Sau khi sửa chữa xong đồng hồ (công tơ) tổng cột đo xăng dầu, trước khi đưa vào sử dụng, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế đến lập biên bản ghi nhận số liệu mới trên cột đo xăng dầu để theo dõi, quản lý theo quy định; đồng thời báo cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH-CN) đến kiểm định và dán lại tem niêm phong.
* Trong quá trình hoạt động, tại các cửa hàng có phát sinh một số trường hợp hao hụt xăng dầu. Cơ quan thuế có loại trừ số này để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp không, thưa ông?
- Cơ quan thuế và các ngành liên quan cũng đã xác định một số trường hợp cần phải loại trừ khi kiểm tra số lượng xăng dầu bán ra. Cụ thể, hàng tháng, doanh nghiệp được trừ 300 lít xăng dầu/cột đo tự bơm vào các bình đong đo đối chứng để kiểm tra độ chính xác của cột đo xăng dầu. Mỗi lần sửa chữa cột đo xăng dầu bị hư hỏng, doanh nghiệp được trừ không quá 200 lít/cột đo/lần. Đây là số lượng xăng dầu mà doanh nghiệp chạy thử cột đo, bơm đối chứng để kiểm tra độ chính xác của từng cột đo nên được loại trừ. Trong những trường hợp này, tổ triển khai dán tem sẽ lập biên bản ghi nhận số lượng xăng dầu thực tế dùng để bơm thử cột đo, bơm đối chứng, nếu doanh nghiệp bơm vượt quá mức số lượng xăng dầu cho phép thì tùy theo tình hình thực tế mà xử lý theo quy định.
Ngoài ra, trong trường hợp xăng dầu sau khi đã bơm để bán cho khách hàng nhưng khách hàng không mua và trả lại thì doanh nghiệp phải lập biên bản với khách hàng để sau đó báo cáo cho cơ quan thuế khi kiểm tra số lượng xăng dầu bán ra trên cột đo.
Dán tem niêm phong cột đo xăng dầu tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở phường 7, TP Tuy Hòa - Ảnh: VIỆT AN |
* Sau khi dán tem niêm phong, theo ông, cơ quan thuế sẽ làm gì để quản lý nguồn thu và chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu?
- Hàng tháng (vào thời điểm cuối tháng), cơ quan thuế sẽ cử cán bộ đến cơ sở kinh doanh xăng dầu để ghi chỉ số trên đồng hồ tổng của từng cột đo, xác định lượng xăng dầu bán ra trong kỳ thông qua chỉ số đầu kỳ và cuối kỳ. Sau đó, cán bộ thuế đối chiếu với sản lượng xăng dầu bán ra trên tờ khai tính thuế của người nộp thuế để xác định tính chính xác, đúng sai của đơn vị khi lập tờ khai tính thuế; đồng thời kiểm tra, đối chiếu với hóa đơn mua vào, nhập hàng hóa trong kỳ của đơn vị để xác định đơn vị có chấp hành đúng quy định về kinh doanh xăng dầu hay không.
Từ kết quả thu được sau khi kiểm tra, đối chiếu, nếu doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực thuế thì sẽ bị xử phạt, truy thu thuế theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, nếu cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp tự ý bóc dỡ tem niêm phong sẽ bị xử lý theo quy định của ngành chuyên môn và bị ấn định thuế theo Luật Quản lý thuế hiện hành.
* Xin cảm ơn ông!
VIỆT AN (thực hiện)