Hiện nay, nhiều bến cá, cảng cá trên địa bàn tỉnh hoạt động kém hiệu quả. Sở NN-PTNT đã xây dựng mô hình quản lý các cảng cá này…
Thu không đủ bù chi
Thời gian qua, một số bến cá, cảng cá trên địa bàn tỉnh hoạt động không bài bản nên không phát huy hiệu quả. Cụ thể, cảng cá Phú Lạc do Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa quản lý, từ khi đưa vào hoạt động (tháng 9/2015) đến nay, tổng thu phí sử dụng cảng khoảng 275 triệu đồng, trong khi chi phí hoạt động hơn 305 triệu đồng. Cảng cá Dân Phước do Phòng Kinh tế TX Sông Cầu quản lý; năm 2014, thu khoảng 510 triệu đồng, chi khoảng 520 triệu đồng; năm 2015 thu gần 595 triệu đồng, chi khoảng 575 triệu đồng. Còn cảng cá Tiên Châu do Phòng NN-PTNT huyện Tuy An quản lý; thu năm 2014 hơn 58 triệu đồng, năm 2015 gần 55 triệu đồng; trong khi đó chi năm 2014 hơn 250 triệu đồng và năm 2015 khoảng 295 triệu đồng.
Ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Năm 2009, cảng cá Tiên Châu được Sở NN-PTNT bàn giao cho huyện quản lý và khai thác. Tuy nhiên, trong 14 hạng mục đã được phê duyệt thì có nhiều hạng mục chưa triển khai đầu tư như nhà phân loại, cửa hàng điện, cần cẩu di động bánh hơi 1,5 tấn, xe tải loại 1,5 tấn, máy phát điện dự phòng công suất 320KV, hệ thống thông tin liên lạc… Để cảng cá Tiên Châu hoạt động hiệu quả, huyện Tuy An kiến nghị tỉnh xem xét bố trí đủ kinh phí để đầu tư khép kín các hạng mục còn lại theo đúng thiết kế ban đầu.
Ngoài việc một số cảng cá chưa được đầu tư hoàn chỉnh, theo Sở NN-PTNT, những hạn chế hiện nay đối với các ban quản lý cảng cá là chưa có sự thống nhất, thiếu bộ phận chuyên môn và cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để tham mưu quản lý, sử dụng cảng cá nên chưa phát huy được hiệu quả. Các ban quản lý bến cá, cảng cá chưa chủ động trong việc thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ hậu cần, huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nguồn thu của các ban quản lý chủ yếu dựa vào thu phí, nguồn thu từ dịch vụ sử dụng cơ sở hạ tầng cảng cá chiếm tỉ lệ thấp, hầu như không đáng kể, trong khi đó nguồn thu không đủ chi cho hoạt động thường xuyên của cảng. Công tác duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình cảng hầu như chưa triển khai nên đã xuống cấp, hư hỏng. Việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo theo quy định về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa kịp thời, chưa đầy đủ; chưa bố trí cán bộ làm công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản đối với cảng cá theo quy định...
Phân cấp quản lý
Để khắc phục những mặt hạn chế trong quản lý cảng cá của tỉnh, tiến đến quản lý thống nhất cảng cá, phục vụ yêu cầu chỉ đạo, điều hành lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh, Sở NN-PTNT vừa xây dựng mô hình quản lý các cảng cá và đang đề xuất UBND tỉnh triển khai mô hình này. Theo đó, Sở NN-PTNT đề xuất chuyển giao các cảng cá Dân Phước, Tiên Châu, Phú Lạc và các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá (đã được đầu tư) cho Ban Quản lý cảng cá thuộc Sở NN-PTNT quản lý.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Các cảng cá, khu neo đậu giao cho Sở NN-PTNT quản lý là phù hợp với quy định của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Công tác quản lý, vận hành, sử dụng cảng cá được thống nhất, chuyên môn hóa hơn, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo sản xuất, điều hành lĩnh vực khai thác thủy sản. Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cũng được tiến hành thường xuyên, giảm thiểu sự xuống cấp các công trình do Nhà nước đầu tư, tạo điều kiện để khai thác các dịch vụ cơ sở hạ tầng của cảng, qua đó trợ giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong cảng bốc dỡ, bảo quản và vận chuyển sản phẩm thủy sản nhằm làm giảm tổn thất sau khai thác và tăng giá trị sản phẩm khai thác; điều tiết nguồn thu, chi được đảm bảo cân đối. Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận đối với các cảng cá loại I, loại II và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá có kết hợp với cảng cá loại I, loại II nên giao cấp tỉnh quản lý, còn cấp huyện sẽ quản lý các bến cá và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá còn lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà đã cơ bản thống nhất đề án Mô hình quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh mà Sở NN-PTNT cho xây dựng. Tuy nhiên, đơn vị này cần có phương án cụ thể và chi tiết hơn, trong đó tính toán kỹ về nhân sự cho Ban Quản lý cảng cá thuộc Sở NN-PTNT, với tinh thần ưu tiên sử dụng người đang công tác tại đơn vị.
Theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Phú Yên được quy hoạch 4 cảng cá và 7 khu vực neo đậu. Trong đó, cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) là cảng loại I; các cảng cá Tiên Châu (huyện Tuy An), Phú Lạc (huyện Đông Hòa), Dân Phước (TX Sông Cầu) là cảng cá loại II. Còn trong quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 đang được hoàn thiện, Sở NN-PTNT đã đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định quy hoạch 6 bến cá gồm Mỹ Quang, Lễ Thịnh, Nhơn Hội (huyện Tuy An), Xuân Cảnh, Gành Đỏ, Vịnh Hòa (TX Sông Cầu). |
ANH NGỌC