Với điều kiện đất đai rộng lớn, thời gian qua, người dân ở huyện Phú Hòa đã đẩy mạnh trồng rừng nên diện tích rừng trồng của địa phương này tăng lên hàng năm. Để tăng thu nhập từ trồng rừng, huyện này còn triển khai các mô hình thâm canh cây rừng, nuôi dê dưới tán rừng cho người dân, giúp tăng hiệu quả kinh tế.
Phát triển rừng trồng
Theo UBND huyện Phú Hòa, kinh tế rừng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được địa phương chú trọng phát triển trong thời gian qua. Việc trồng rừng không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu. |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện hơn 25.800ha; trong đó, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp hơn 11.300ha. Với điều kiện đất đai rộng lớn, thời gian qua, người dân địa phương phát triển kinh tế rừng, tập trung nhiều nhất ở các xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam, thị trấn Phú Hòa.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa ở thôn Đồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc, cho hay: Ngoài trồng lúa, nuôi bò, mấy năm gần đây, gia đình tôi còn phát dọn 5ha đất rẫy để trồng cây keo lai. Hiện cây phát triển rất tốt, đã khép tán, đường kính thân cây được khoảng 10cm. Để cây sinh trưởng và phát triển nhanh, định kỳ hàng năm, gia đình tôi dọn chầu (cắt tỉa cành nhánh), dọn thực bì và bón thêm phân để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Còn theo ông Trần Văn Chánh ở thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, vừa qua, gia đình ông thu hoạch 7ha keo và bạch đàn được hơn 500 triệu đồng, trừ các khoản chi phí lãi được 300 triệu đồng. Gia đình ông đang đầu tư trồng lại, đợt này ông tăng diện tích trồng lên 10ha với các giống keo lai. “Vụ này, tôi áp dụng theo đúng quy trình, kỹ thuật trồng, bình quân mỗi héc ta trồng khoảng 1.300 cây, cây cách cây 2,5m, hàng cách hàng 3m. Với mật độ trồng thưa như vậy, cây sẽ ít bị cạnh tranh dinh dưỡng, có điều kiện để phát triển nhanh. Ngoài ra, gia đình tôi còn chú trọng đến khâu chọn giống, cây giống được mua ở trại ươm uy tín, giúp giảm tỉ lệ hao hụt khi trồng, tốc độ sinh trưởng nhanh và ít bị bệnh”, ông Chánh cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây Nguyễn Tấn Diệm, mấy năm gần đây, người dân địa phương phát triển mạnh diện tích rừng trồng. Đến nay, toàn xã có hơn 3.000ha rừng trồng, nghề trồng rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần tăng độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường. Hiện nay, tại tiểu khu 273 và 274 của xã còn gần 46ha đất lâm nghiệp nhưng không có cây gỗ tái sinh, địa phương sẽ rà soát nhu cầu sử dụng của người dân để lập phương án giao hoặc cho thuê đất để trồng rừng trên diện tích này.
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa Nguyễn Siêng cho biết: Đến nay, toàn huyện Phú Hòa có hơn 6.700ha diện tích rừng trồng, tăng hơn 1.300ha so với năm 2015. Bình quân, sau một chu kỳ sản xuất (5-6 năm), người trồng có lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Hiện nay, toàn huyện còn hơn 3.500ha đất lâm nghiệp chưa có rừng; trong đó, hơn 551ha có mật độ cây gỗ tái sinh dày nên địa phương sẽ tăng cường bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để phát triển thành rừng. Đối với 1.600ha đất lâm nghiệp không có cây gỗ tái sinh, huyện sẽ đẩy mạnh trồng rừng trên diện tích này. Riêng 1.280ha đất lâm nghiệp đang sản xuất hoa màu mang lại hiệu quả như khóm, sắn, mía… thì địa phương sẽ rà soát, quy hoạch lại kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với hiện trạng.
Tăng hiệu quả kinh tế
Để giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, thời gian qua, huyện Phú Hòa đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh cây rừng. Ông Lê Văn Minh ở khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, cho biết: Trước đây, khi mới trồng rừng, tôi không chú trọng đến khâu chăm sóc, thâm canh. Mỗi năm, tôi chỉ đầu tư dọn chầu một lần, mật độ trồng lại dày nên cây chậm lớn, thân nhỏ, giá trị kinh tế không cao. Sau khi tham gia lớp tập huấn thâm canh trồng rừng, tôi học được nhiều kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất của gia đình. Cụ thể, trong 3 năm đầu, khi bắt đầu vào mùa mưa, tôi bón phân cho cây một lần, thực hiện dọn chầu cho cây 2 lần/năm, mật độ trồng cũng thưa hơn trước, khoảng 1.300 cây/ha. Nhờ vậy, 6ha keo lai của gia đình tôi phát triển tốt, vừa rồi thu hoạch bán lãi được gần 400 triệu đồng.
Ngoài ra, để tăng nguồn thu từ trồng rừng, vừa qua, Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa còn triển khai mô hình nuôi dê dưới tán rừng. Theo bà Nguyễn Thị Sum ở thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, tham gia mô hình này, gia đình bà được hỗ trợ 40% chi phí mua 10 con dê giống và kỹ thuật nuôi. Nhờ thả nuôi dưới tán rừng nên bà tận dụng các loại cây bụi để làm thức ăn cho dê, chỉ khi vào mùa nắng gắt, cây bụi không còn thì mới phải tìm thêm lá xoan cho dê. Bình quân, một năm dê cái đẻ được 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con nên đàn dê gia đình bà tăng khá nhanh, hiện đã có gần 50 con. Nhờ mô hình nuôi dê dưới tán rừng này nên ngoài thu nhập từ trồng rừng, gia đình bà còn có thêm nguồn thu từ nuôi dê, hiệu quả kinh tế tăng.
THỦY TIÊN