Để thực hiện dự án Nâng cấp, sửa chữa chợ thị trấn Hai Riêng, UBND huyện Sông Hinh đã di dời các hộ kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ Hai Riêng ra chợ tạm tại khu vực bến xe huyện. Tuy nhiên, khu vực chợ tạm có diện tích khá nhỏ, việc sắp xếp, ổn định trật tự chợ không đảm bảo đã gây không ít khó khăn cho các tiểu thương kinh doanh tại đây.
Buôn bán ế ẩm
Theo UBND huyện Sông Hinh, chợ tạm được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 9/2016, dự kiến hoạt động từ 6-8 tháng, cho đến khi dự án Nâng cấp, sửa chữa chợ thị trấn Hai Riêng hoàn thành. Mặc dù mới hoạt động 1 tháng nhưng nhiều tiểu thương đã than phiền vị trí không thuận lợi nên buôn bán khó khăn. Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, bán thịt heo tại chợ, cho biết: Trước đây, khi còn bán hàng ở chợ thị trấn Hai Riêng, mỗi ngày tôi bán được trên 160kg thịt (khoảng 2 con heo). Từ khi chuyển sang chợ tạm, mỗi ngày, tôi bán chưa hết nửa con, thu nhập giảm đáng kể. Khu vực hàng thịt heo, bò được sắp xếp 26 lô nhưng hiện chỉ có 3 lô hoạt động trong chợ. Theo bà Ánh, nguyên nhân của việc ế ẩm là khi chuyển sang chợ tạm, một số tiểu thương không chịu vào chợ mà bày bán ngay trên đường, khiến phần lớn người dân không vào chợ mà chỉ dựng xe bên ngoài để mua. Trong chợ không có khách nên nhiều tiểu thương khác lần lượt “ngoi” ra mặt đường. Những người chấp hành bán trong chợ thì chẳng có mấy khách vào mua.
Không riêng hàng thịt, các khu vực hàng cá, rau củ, trái cây… cũng kéo nhau bao quanh chợ tạm để buôn bán. Chị Dương Thị Phượng, một tiểu thương bán rau tại đây, cho biết: Những ngày đầu, các tiểu thương cũng chấp nhận vào bán tại vị trí do ban quản lý chợ sắp xếp; tuy nhiên, bên ngoài có 4 xe hàng bán rau sỉ từ nơi khác đến, án ngữ ngay trước đường vào chợ nên thu hút phần lớn khách hàng. Nhiều tiểu thương bán không được, hết vốn nên đành bỏ sạp. Hiện trong chợ chỉ còn 7/22 lô hàng rau còn “trụ” lại; hàng cá đồng còn 10 lô, hàng cá biển còn 2 lô... Số khác thì một phần kéo ra ngoài đường bán, phần khác nghỉ bán để đi làm thuê kiếm sống.
Không chỉ tồn tại việc buôn bán lộn xộn, chợ tạm còn nhiều bất cập như tình trạng ô nhiễm không khí, khi mùi hôi từ khu vệ sinh của bến xe, tình trạng nước mưa ứ đọng, việc sắp xếp cổng chợ không hợp lý… khiến việc buôn bán càng trở nên ế ẩm.
Lộn xộn bao quanh chợ
Trong khi các tiểu thương trong chợ tạm ế ẩm vì vắng khách thì trên quốc lộ 19C và dọc các tuyến đường nội bộ quanh chợ, cảnh người mua, người bán rất tấp nập, tạo nên cảnh hỗn loạn xung quanh chợ. Theo nhiều người dân nơi đây, quốc lộ 19C là con đường thông thương giữa Phú Yên và Đắk Lắk nên lưu lượng xe qua lại khá lớn. Việc nhiều người dân mua bán, để xe, lấn chiếm lòng lề đường rất nguy hiểm. Giải thích về lý do không vào chợ buôn bán, chị Văn Thị Mận, bán rau củ ở đây, cho biết: Tôi chủ yếu bán hàng cho các mối sỉ nên lượng hàng hóa rất lớn; nếu vào trong chợ thì cần diện tích rộng, chợ không đáp ứng đủ nên phải thuê mặt bằng bên ngoài bán cho tiện. Nếu ban quản lý chợ sắp xếp được vị trí đủ rộng và thuận lợi cho xe lớn ra vào thì tôi sẽ vào bán.
Ông Lê Quyến, đại diện DNTN Phú Quyến - đơn vị quản lý chợ thị trấn Hai Riêng, cho biết: Hiện chỉ có khoảng 30-40% tiểu thương chấp nhận bán trong chợ, nhưng họ buôn bán ế ẩm nên ban quản lý chợ chỉ thu tiền vệ sinh và phí quản lý chợ mà chưa thu phí mặt bằng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, thu nhập của tiểu thương sẽ bị ảnh hưởng và doanh nghiệp cũng không đảm bảo nguồn thu để duy trì hoạt động chợ. Hiện doanh nghiệp phải quản lý cùng lúc 2 chợ (chợ thị trấn Hai Riêng và chợ tạm) nên chi phí quản lý ngày càng tăng; trong khi nguồn thu lại hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong chính quyền địa phương có giải pháp kiên quyết hơn để ổn định trật tự khu vực chợ, kêu gọi tiểu thương bên ngoài vào chợ kinh doanh, đồng thời có cơ chế ưu đãi giảm giá thầu để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, chợ tạm có diện tích khoảng 2.000m2, với hơn 100 lô cố định và gần 100 lô thuộc khu vực hàng rong, mỗi lô có diện tích từ 5-20m2. Trước khi di dời tiểu thương ra chợ tạm, UBND huyện đã tổ chức đối thoại với các hộ tiểu thương kinh doanh tại khu vực bán hàng thực phẩm chợ thị trấn Hai Riêng, thống nhất phương án hỗ trợ, di dời cũng như việc bố trí mặt bằng, vị trí kinh doanh tại chợ tạm. Tuy nhiên, từ khi chuyển đến vị trí mới, một số người dân ở quanh chợ và các nơi khác như Sơn Hòa, TP Tuy Hòa cũng vào chợ buôn bán nên số lô hàng bố trí sẵn không đáp ứng đủ nhu cầu của tiểu thương.
UBND huyện Sông Hinh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức nhiều đợt kiểm tra tình hình trật tự quanh chợ, xử lý các tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường buôn bán. Tuy nhiên, sau khi lực lượng đi thì tình trạng này tiếp tục tái diễn. Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, tuyên truyền, vận động tiểu thương vào chợ, đồng thời xử lý các tồn tại trong chợ tạm để tiểu thương yên tâm buôn bán.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh |
NGÔ XUÂN