Quyết định 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã xác định: “Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận: phát triển du lịch dựa trên việc phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch biển là chủ yếu. Đầu tư xây dựng các khu du lịch biển quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch có thu nhập cao. Phát triển các loại hình du lịch có khả năng đáp ứng được nhu cầu đa dạng với thời gian dài cho khách du lịch thông qua việc xây dựng các chương trình du lịch tạo được sự gắn kết giữa sinh thái biển của các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ với sinh thái rừng núi, cao nguyên và bản sắc văn hoá của các dân tộc Chăm và Tây Nguyên…”. Tỉnh ủy Phú Yên cũng xác định từ nay đến năm 2010 “lấy du lịch làm động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ, ngành nghề thủ công mỹ nghệ và các ngành khác phát triển (...) từng bước xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển nhanh và bền vững, tiến tới là ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm sau”. Vậy du lịch Phú Yên sẽ phát triển theo hướng nào?
Mũi Điện - một điểm hẹn của du khách khi đến Phú Yên - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
HÌNH THÀNH CÁC TUYẾN DU LỊCH VEN BIỂN
Xu thế phát triển du lịch hiện nay là trở về với thiên nhiên, với môi trường, cảnh quan tự nhiên trong lành, hoang sơ; tìm hiểu đời sống, cảm thụ văn hóa và tham gia sinh hoạt cùng cộng đồng dân cư bản địa. Do vậy, Phú Yên rút kinh nghiệm về phát triển du lịch ở các tỉnh lân cận để tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên du lịch biển, trong đó ưu tiên những dự án du lịch biển có quy mô lớn như: các khu du lịch, đô thị du lịch ven biển, hạn chế việc phá vỡ cảnh quan, môi trường.
Ngành Thương mại và Du lịch Phú Yên đã và đang quy hoạch đầu tư 4 tuyến du lịch ven biển. Đó là tuyến phía nam tỉnh: leo núi Đá Bia (loại hình du lịch thể thao gắn liền với truyền thuyết hành trình Nam tiến của vua Lê Thánh Tôn) - Khu di tích lịch sử Tàu không số Vũng Rô (tham quan, tìm hiểu về lịch sử tàu không số) - bãi Môn (tắm biển, thưởng thức hải sản biển...) - Mũi Điện (đón bình minh sớm nhất Tổ quốc ở Hải đăng Đại Lãnh). Tuyến phía bắc tỉnh hình thành làng nước mắm Gành Đỏ, du thuyền tham quan vịnh Xuân Đài, các khu du lịch ven biển phía bắc Sông Cầu, thưởng thức đặc sản đầm Cù Mông. Ở tuyến phía bắc TP Tuy Hòa, du khách sẽ tham quan, tắm biển ở Long Thủy, gành Đá Đĩa, du thuyền đêm trên đầm Ô Loan, thăm nhà thờ Mằng Lăng... Ở tuyến du lịch nội thành Tuy Hòa, du khách tắm biển Tuy Hòa, tham quan các chùa, mua sắm tại chợ Tuy Hòa, Siêu thị Tuy Hòa, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các khu vui chơi giải trí, tháp Nhạn... Trên cơ sở đó, từng bước gắn du lịch biển với tuyến du lịch phía tây của tỉnh như tham quan các thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, các làng văn hóa điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số (buôn La Diêm, buôn Xí Thoại); các suối nước nóng Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức; các lễ hội của đồng bào dân tộc...
ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHO DU LỊCH BIỂN
Để đưa các tuyến du lịch biển vào hoạt động có hiệu quả, ngành Thương mại và Du lịch sẽ phối hợp với các trường Đại học Phú Yên, Cao đẳng Nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên mở các lớp đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, nhân viên lễ tân, buồng, bàn, bếp, hướng dẫn viên... Trong đó, đặc biệt chú ý đến các lĩnh vực thuyết minh viên, lái tàu, hướng dẫn lặn biển, câu cá, lái thuyền của cư dân địa phương..., khả năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử khi tiếp xúc trực tiếp với khách. Ngành tăng cường công tác quảng bá tuyên truyền, liên doanh liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ để thu hút đầu tư, thu hút khách đến Phú Yên; phối hợp các tỉnh trong khu vực hình thành các tour du lịch khai thác thế mạnh về du lịch biển, có sản phẩm du lịch biển đặc trưng riêng của từng tỉnh; khai thác thị trường khách du lịch các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.
Du lich Gành Đá Dĩa - Ảnh: D.T.X
HƯỚNG DẪN NGƯỜI DÂN LÀM DU LỊCH
Hiện toàn tỉnh đã có 14 dự án du lịch được UBND tỉnh cấp phép đầu tư với diện tích đất 241 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 456 tỉ đồng và 4 triệu USD, trong đó một số dự án đã và đang xây dựng khu vực ven biển như: Khu du lịch Bãi Bàu, Khu du lịch Bãi Tràm, khu du lịch Bãi Nồm, khu du lịch Nhất Tự Sơn, Khu du lịch Sao Việt, Khu du lịch Bãi Môn - Mũi Điện... Ngành từng bước nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng mới và nâng cấp một số khách sạn hiện có quy mô từ 3 sao trở lên, phấn đấu đến năm 2010 có khoảng 400 phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên và 540 phòng đạt tiêu chuẩn 1 - 2 sao.
Hiện nay cư dân ven biển chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Một số vùng ven biển có tiềm năng thủy sản và du lịch rất lớn và vấn đề là làm sao khai thác có hiệu quả hai tiềm năng trên. Giải pháp đưa ra là, khi quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch biển, cần làm cho cộng đồng dân cư nhận thức được rằng du lịch sẽ đem lại nhiều lợi ích, tạo công ăn việc làm và thu nhập khá. Những người đã gắn bó lâu đời với biển sẽ được tham gia phát triển du lịch biển, cùng xây dựng thương hiệu và hình ảnh của địa phương mình. Một số dịch vụ du lịch có thể kết hợp như: câu cá, lặn biển, đánh lưới, khách du lịch cùng với ngư dân đánh bắt thủy sản, tham quan khu vực nuôi thủy sản, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các mặt hàng từ biển, vận chuyển khách du lịch bằng thuyền…
Du lịch biển cũng như khai thác hải sản đều mang tính thời vụ cao. Ngư dân sẽ làm gì ngoài mùa đánh bắt? Giải pháp đưa ra là cần tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội ngoài thời vụ cao điểm, lịch tổ chức các sự kiện rải đều trong năm để thu hút khách, tránh tình trạng quá tải trong mùa hè (mùa cao điểm) và vắng khách trong mùa mưa để cư dân và du khách cùng tham gia…
TRẦN QUANG NHẤT
Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch