Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã An Cư (huyện Tuy An) đã hoàn thành các tiêu chí, bộ mặt nông thôn địa phương này có nhiều đổi thay.
Theo UBND xã An Cư, từ khi tỉnh chọn An Cư làm xã điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương đã đề ra quyết tâm và nỗ lực hoàn thành. Sau hơn 5 năm xây dựng NTM, đến nay, bộ mặt nông thôn xã An Cư đã có nhiều đổi thay. Hầu hết tuyến đường ở An Cư đã được bê tông phẳng phiu, sạch đẹp giúp người dân đi lại thuận tiện. Bà Lý Thị Hoa ở thôn Tân Long nói: Từ khi Nhà nước cho xi măng làm đường bê tông, người dân vui mừng và sẵn lòng đóng góp tiền, công để làm các tuyến đường trong thôn. Nhờ vậy, nhiều đường đất đã được thay thế bằng đường bê tông thoáng đãng. Nhà nước còn bỏ tiền để xây cầu bê tông chắc chắn bắc qua đầm Ô Loan, giúp người dân đi lại thuận tiện, không còn chịu cảnh bị nước lũ cô lập vào mỗi mùa mưa. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trưởng thôn Tân Long, thôn đã tiến hành bê tông được gần 5km đường đất, đạt hơn 95% tổng chiều dài các tuyến đường ở thôn Tân Long.
Theo UBND xã An Cư, đến nay, toàn xã đã thảm nhựa, bê tông hơn 23,2km đường, bao gồm các trục giao thông liên xã, liên thôn, đường ngõ, xóm và cứng hóa gần 2,5km đường trục chính nội đồng. Thời gian qua, địa phương còn kiên cố hóa gần 11km kênh mương nội đồng, xây dựng chợ Phú Tân đạt chuẩn NTM, nâng cấp và xây mới một số phòng học, nhà vệ sinh, tường rào, sân trường các Trường mầm non An Cư, tiểu học số 1, số 2 An Cư và Trường THCS Đinh Tiên Hoàng. Đồng thời, từ nhiều nguồn vốn, xã An Cư còn xóa 37 nhà ở tạm, hỗ trợ sửa chữa và xây mới 22 nhà ở hộ chính sách… góp phần đạt tiêu chí số 9.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, xã An Cư còn chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Địa phương này đã phối hợp với các ngành chức năng mở 7 lớp chuyển giao kỹ thuật về nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản, chăn nuôi gia cầm, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản… Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình ở đây có thêm kinh nghiệm sản xuất, tìm được hướng phát triển kinh tế. Ông Lê Ngọc Toại ở thôn Hòa Thạnh cho hay: Được tham gia lớp tập huấn nuôi bò vỗ béo do xã tổ chức, tôi đã biết cách chăm sóc, phòng dịch, đặc biệt là công thức vỗ béo để bò mau lớn, nhiều thịt. Gia đình tôi đang nuôi 5 con bò vỗ béo, bình quân mỗi năm lãi 60 triệu đồng nhờ bán bò thịt.
Với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã An Cư, hiện đời sống vật chất của người dân địa phương này ngày một phát triển, thu nhập tăng đáng kể, bình quân đạt gần 24 triệu đồng/người/ năm (thống kê năm 2015). Gần 99% hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Toàn xã còn 151 hộ nghèo chiếm tỉ lệ khoảng 4,9%, phần lớn người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên...
Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, cho biết: Để có được kết quả này, chính quyền và nhân dân địa phương đã chung tay, góp sức phấn đấu cho sự nghiệp chung của xã nhà. Trong thời gian qua, địa phương đã huy động gần 128 tỉ đồng; trong đó, Trung ương hỗ trợ 110 tỉ đồng, tỉnh 4,2 tỉ đồng, huyện gần 4 tỉ đồng, ngân sách xã hơn 3,5 tỉ đồng và nhân dân đóng góp hơn 5 tỉ đồng… Ngoài góp tiền, người dân còn tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất và hàng ngàn ngày công để cùng địa phương xây dựng NTM.
SƠN CA