Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều dự án, mô hình sản xuất nông sản sạch nhằm tạo thói quen sản xuất theo quy trình, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên hiện nay, đầu ra của các loại nông sản sạch bị bó hẹp nên người dân chưa mặn mà đầu tư phát triển.
Nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch
Theo Sở NN-PTNT, để ổn định và từng bước phát triển sản xuất nông sản đạt chuẩn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, trong đó kết nối người nông dân với đơn vị đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản sau thu hoạch. Tuy nhiên, các mô hình này còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục kết nối và triển khai thêm nhiều mô hình nữa để giúp nông dân tiến tới hình thức sản xuất hiện đại theo hướng bền vững với việc đề cao vấn đề an toàn thực phẩm và ổn định đầu ra. |
Một tiêu chuẩn sản xuất nông sản sạch mà nhà nông nào cũng biết là VietGAP, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông sản theo VietGAP như trồng lúa VietGAP, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP…
Ông Trần Ngọc Thanh ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), cho biết: Từ năm 2012, gia đình tôi được tiếp cận với mô hình sản xuất lúa VietGAP do Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh triển khai. Tham gia mô hình này, nông dân được hướng dẫn cách chọn giống, mật độ gieo sạ, quy trình chăm sóc, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh, đất không bị thoái hóa và sâu bệnh được hạn chế.
Theo ông Thành, trước đây, mỗi sào lúa, gia đình ông sử dụng khoảng 10kg giống để gieo sạ, nhưng qua mô hình này thì lượng giống chỉ còn 6kg/sào, với lúa giống nguyên chủng. Chi phí đầu tư cho giống dù cao hơn, nhưng bù lại chi phí phân thuốc lại giảm đáng kể, năng suất cũng cao hơn khoảng 25kg/sào nên tăng hiệu quả sản xuất.
Trong khi đó, tại vùng chuyên canh rau màu ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), từ năm 2011, người trồng rau ở đây tiếp cận với phương pháp sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được công nhận sản phẩm rau ăn lá (gồm 9 loại rau ăn lá) đạt VietGAP. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Ngọc, vùng sản xuất rau VietGAP của xã có hơn 13.000m2 tại thôn Ngọc Phước 2 với 25 hộ dân tham gia. Khi trồng rau VietGAP, người trồng phải thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất như ngày xuống giống, thời gian bón phân, phun thuốc… và các loại phân thuốc sử dụng trong sản xuất phải là các chế phẩm sinh học. Hiện nay, các hộ dân tham gia mô hình này đã thực hiện nhuần nhuyễn quy trình sản xuất rau VietGAP.
Tương tự, hơn 3 năm nay, nhiều hộ trồng tiêu ở huyện Tây Hòa cũng ứng dụng quy trình sản xuất tiêu theo chuẩn GlobalGAP. Bà Đặng Thị Hiếu ở xã Sơn Thành Tây cho hay: Từ năm 2013, gia đình tôi tham gia mô hình trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP do Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành triển khai. Trồng tiêu theo quy chuẩn này, chúng tôi phải giám sát các khâu vệ sinh an toàn cho sản phẩm xuyên suốt từ khi làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Vùng sản xuất tiêu GlobalGAP phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về đất và nước tưới; người trồng chỉ được phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục mà hầu hết là các loại có nguồn gốc hữu cơ, đảm bảo tính an toàn cho người trồng và người tiêu thụ, trong suốt thời gian trồng phải thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất…
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, toàn huyện có 20ha tiêu của 25 hộ dân ở xã Sơn Thành Tây trồng theo chuẩn GlobalGAP. Đây là bộ tiêu chuẩn đã được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu, đáp ứng được thị trường xuất khẩu.
Chưa có đầu ra ổn định
Sau một thời gian triển khai, đến nay, những mặt tích cực của việc sản xuất nông sản sạch đã được các ngành chức năng, nông dân và người tiêu dùng ghi nhận. Đặc biệt, nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn được hạn chế và quy định nghiêm về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là phân, thuốc hóa học, nhờ vậy giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Để các mô hình điểm có thể phát triển hơn, trở thành xu thế sản xuất đại trà thì việc tạo đầu ra ổn định đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sản xuất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề này chưa được các ngành chức năng quan tâm, trong khi đó, nhà nông thì chưa đủ điều kiện để tự “bơi” nên việc sản xuất nông sản sạch đang hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Long ở xã Bình Ngọc, một trong những hộ dân tham gia sản xuất rau VietGAP, cho biết: Trồng rau VietGAP tốn nhiều công sức vì gần như việc gì cũng phải ghi chép, phân thuốc sử dụng là chế phẩm sinh học nên giá thành cao hơn. Thế nhưng khi thu hoạch thì chúng tôi vẫn phải tự tìm mối để bán, hiệu quả kinh tế chẳng có gì vượt trội. Bây giờ gia đình tôi chuyển sang trồng rau như trước đây, đỡ tốn công sức và tiết kiệm chi phí chăm sóc hơn nhiều.
Tương tự, thời gian qua, các hộ trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP ở huyện Tây Hòa cũng chưa tìm được đầu ra cho tiêu sạch. Theo ông Phan Quốc Nông ở xã Sơn Thành Tây, hơn 2ha tiêu của gia đình ông đều được trồng theo chuẩn. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch gia đình ông cũng chỉ bán cho các thương lái quanh vùng. Mặc dù biết bán như vậy là thiệt thòi nhưng người trồng không biết phải bán tiêu sạch ở đâu. Thỉnh thoảng cũng có một vài người tìm đến hỏi mua tiêu sạch với giá cao hơn giá thị trường khoảng 2.000- 3.000 đồng/kg, nhưng số lượng chỉ từ 1-3 tấn lại yêu cầu phải có cam kết giữ giá bán cố định. Cách thu mua này thì người trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP chẳng lợi được bao nhiêu nên cũng không bán.
Phó Giám đốc Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành Văn Kim Minh cho biết: Mỗi năm, đến vụ thu hoạch, công ty liên hệ với tổ chức Bureau Veritas để thu mẫu kiểm tra và cấp chứng nhận sản phẩm tiêu đạt chuẩn GlobalGAP theo từng vụ. Mặc dù hiện nay, việc tìm thị trường tiêu thụ cho tiêu GlobalGAP gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn khuyến khích bà con duy trì sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP để bảo vệ môi trường, sức khỏe của người trồng, giảm dịch bệnh cho tiêu và tiếp tục tìm thị trường.
THỦY TIÊN