Tại Phú Yên, các HTX hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại và cả những HTX nông nghiệp có dịch vụ kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do năng lực quản lý của các HTX này yếu, vốn phục vụ kinh doanh hạn chế.
Hoạt động cầm chừng
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 69 HTX tham gia kinh doanh dịch vụ thương mại, trong số này có 37 HTX đã ngừng hoạt động.
Trong lĩnh vực xây dựng, các HTX không duy trì được hoạt động khi đơn vị cuối cùng là HTX Xây dựng và xây lắp điện Minh Khai (TP Tuy Hòa) hoạt động cầm chừng gần 2 năm nay và đứng trước nguy cơ phải giải thể. Theo ông Trần Ngọc Nhơn, Giám đốc HTX, do vốn có vài trăm triệu nên đơn vị chỉ thi công những công trình có mức đầu tư thấp. Trong khi đó, việc thu hồi vốn của các công trình do HTX thi công chậm nên nhiều năm liền HTX phải hoạt động cầm chừng. HTX cũng không đủ điều kiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012.
Với các HTX hoạt động thuộc lĩnh vực dịch vụ vận tải thì số đơn vị không đủ sức cạnh tranh đã phải giải thể; những HTX còn lại thì hiệu quả hoạt động ở mức trung bình hoặc yếu. Toàn tỉnh hiện còn 10 HTX vận tải hoạt động thì có đến 6 HTX trung bình, 4 HTX yếu kém. Ông Huỳnh Tấn Cảnh, Phó Giám đốc HTX Vận tải cơ giới đường bộ Tuy An (huyện Tuy An), bày tỏ: Hiện nay, số thành viên HTX giảm từ 31 xuống còn 22 người so với năm 2014; tổng doanh thu của thành viên từ hơn 3,8 tỉ đồng/năm xuống còn 2,1 tỉ đồng/năm, phí duy trì hoạt động tại HTX từ hơn 37,4 triệu đồng/năm nay còn gần 30 triệu đồng/năm. Tại huyện Tuy An, tuy HTX là đơn vị kinh tế tập thể duy nhất còn hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, được chính quyền các cấp tạo điều kiện nhưng HTX đang phải hoạt động cầm chừng. Hiện HTX không đủ vốn để mua xe mới nên chỉ làm công tác phân bổ luồng tuyến, bến bãi, thu thuế, bảo hiểm… cho đầu xe của các thành viên HTX.
Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các HTX gặp khó về thị trường và đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, khiến sản phẩm không có sức cạnh tranh cao. Ông Lương Tấn Thái, Giám đốc HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), cho biết: 5 năm qua, do thị trường thế giới biến động nên sản xuất của HTX giảm sút về số lượng và doanh thu. HTX chỉ có thể đạt 50% công suất vận hành máy tại các khu sản xuất tập trung. Từ 16 cụm sản xuất mây, tre, lá vệ tinh nay HTX phải thu hẹp còn 10 cụm, với số lao động bị cắt giảm từ 400 hộ nay chỉ còn 100 hộ; doanh thu từ hơn 6 tỉ đồng/năm, nay chỉ còn hơn 4 tỉ đồng/năm.
Khó cả hoạt động dịch vụ
Các HTX nông nghiệp có dịch vụ vệ sinh môi trường, quản lý chợ, vật tư nông nghiệp… cũng đang gặp khó khăn. Tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), những năm trước, đơn vị này duy trì 5 dịch vụ gồm vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ, xăng dầu, điện, quản lý chợ. Tuy nhiên, hiện nay HTX chỉ còn các dịch vụ tín dụng nội bộ, xăng dầu và vật tư nông nghiệp. Theo ông Lê Văn Bảo, Giám đốc HTX này, thì năm 2012, đơn vị đã bàn giao lưới điện hạ áp cho Công ty Điện lực Phú Yên quản lý và HTX chấm dứt hoạt động cung cấp điện. Năm 2013, HTX tiếp nhận quản lý chợ Phú Nhiêu và đầu tư 50 triệu đồng để bê tông xi măng khu vực buôn bán thủy sản tươi sống, xây dựng nhà điều hành cho ban quản lý chợ, đồng thời phân lại lô, khu vực kinh doanh theo từng ngành hàng… Chợ có 150 hộ kinh doanh ổn định và hơn 120 hộ không cố định, nhưng doanh thu từ lĩnh vực này chỉ vài chục triệu đồng, thu chỉ đủ bù chi. Đến năm 2014, HTX bàn giao chợ cho UBND xã quản lý. Trong 3 dịch vụ còn tồn tại, ngoài dịch vụ bán lẻ xăng dầu và tín dụng nội bộ mang lại lợi nhuận thì hiệu quả kinh doanh vật tư nông nghiệp đến nay chỉ đạt trên 47% so với kế hoạch năm.
Theo Liên minh HTX tỉnh, cả 14 HTX có dịch vụ thu gom rác thải, 5 năm nay vẫn ở tình trạng thu không đủ chi. Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2 (huyện Phú Hòa), cho biết: 9 tháng đầu năm nay, HTX lỗ 2,4 triệu đồng từ dịch vụ này. Nguyên nhân là do HTX không chỉ chi phí cho nhân công đi thu gom rác thải sinh hoạt tại các hộ dân mà còn phải thuê người vớt rác trên các tuyến kênh mương, đồng thời phải nộp thuế giá trị gia tăng. Nhiều năm nay, HTX vẫn phải sử dụng quỹ dự phòng để bù lỗ, duy trì dịch vụ công ích này.
Theo ông Phạm Trọng Yêm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua, các HTX thương mại, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải trong tỉnh gặp khó khi không có vốn để đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ tiên tiến. Các HTX xây dựng không có khả năng tài chính để tiếp cận những công trình lớn và xoay vòng vốn đầu tư làm công trình mới. Những HTX nông nghiệp làm thêm dịch vụ kinh doanh thì chỉ hoạt động phạm vi thôn, xã nên sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa được thị trường đón nhận. Thiếu vốn cộng với năng lực quản lý còn hạn chế là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Để khắc phục, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đưa trí thức trẻ về UBND xã và HTX để giúp HTX có nhân lực quản lý, đồng thời đẩy mạnh liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp và ngân hàng để các HTX được tiếp cận về vốn, thị trường…
MINH DUYÊN