Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh bột ngọt giả các nhãn hiệu nổi tiếng. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng khuyến cáo người dân cách nhận biết bột ngọt thật - giả để giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình.
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã mở nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó tập trung phân biệt một số mặt hàng hay bị làm giả như bột ngọt, bột nêm, rau củ quả Đà Lạt và rau củ quả Trung Quốc… Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho biết: Hiện nay, bột ngọt giả xuất hiện rất nhiều trên thị trường khiến các cơ quan chức năng và người tiêu dùng lo lắng. Tại thị trường Phú Yên, bột ngọt giả chủ yếu là bột ngọt “xá” giá rẻ của Trung Quốc. Loại bột ngọt này thường là hàng không có hóa đơn, chứng từ, không hạn sử dụng, nhập lậu vào Việt Nam rồi đóng “mác” bột ngọt Ajinomoto hoặc Miwon để đưa ra thị trường tiêu thụ. Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, những người bán thường chia hàng ra những gói nhỏ, trọng lượng 100gram, 400gram. Những đối tượng này làm việc rất tinh vi nên khó nhận biết. Bột ngọt giả nhãn hiệu được phân phối tới các chợ, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ở nhiều nơi, bản thân người bán hàng cũng không biết mình đang bán bột ngọt giả nhãn hiệu. Do vậy, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã lồng ghép nội dung tuyên truyền cách phân biệt bao bì bột ngọt thật và giả để người dân và các tiểu thương phân biệt.
Thời gian qua, hoạt động này đã mang lại hiệu quả tích cực cho các tiểu thương và người tiêu dùng. Bà Phạm Thị Phương, bán hàng tạp hóa ở chợ Trà Kê, huyện Sơn Hòa, cho biết: Chúng tôi buôn bán ở chợ miền núi, thiếu thông tin, không được biết nhiều cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Tôi thường lấy hàng từ các tiểu thương ở chợ thị trấn Củng Sơn. Khi mua hàng, tôi tin tưởng người bán nên có bị cung cấp hàng giả cũng không thể biết được. Rất mong các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền cách nhận biết hàng thật - hàng giả cho người tiêu dùng và cả tiểu thương, đặc biệt là tiểu thương ở các chợ xã thuộc vùng sâu, vùng xa. Còn chị Lê Thị Mai ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, chia sẻ: Bột ngọt là loại gia vị gia đình tôi rất hay sử dụng trong mỗi bữa ăn. Do vậy, khi nghe loại thực phẩm này hay bị làm giả, tôi thực sự lo lắng và không biết làm sao để phân biệt được bột ngọt thật, bột ngọt giả. Sau khi được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tư vấn, từ nay tôi sẽ quan sát kỹ bao bì để tránh mua phải hàng giả. Tôi mong các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý những người làm và buôn bán bột ngọt giả để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo ông Huỳnh Công Điềm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, từ tháng 5/2015 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện 22 vụ kinh doanh bột ngọt giả nhãn hiệu và bột ngọt không có bao bì, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng. Các vụ vi phạm tập trung ở TP Tuy Hòa, các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa. Qua đó, đơn vị đã tịch thu 2.026 bao bột ngọt các loại và nhiều bao bì bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto trị giá gần 322,7 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số bột ngọt, bao bì giả trên.
Người tiêu dùng có thể phân biệt bột ngọt thật và bột ngọt giả nhãn hiệu qua một số yếu tố: hàng thật phải có huy chương in trên bao bì có màu vàng tươi với dòng chữ “hội chợ thực phẩm an toàn 2002” rõ ràng; cả 4 mép hàn đồng nhất, ngày sản xuất in nổi ở mặt sau đáy bao, rõ ràng, dễ đọc. Bột ngọt giả nhãn hiệu huy chương màu vàng đậm, nhòe, dòng chữ bên trong khó đọc; các mép hàn không đồng nhất, 4 góc nhăn nheo, có bọt khí; ngày sản xuất phần lớn không in hoặc in nhòe, khó đọc. Ngoài ra, bột ngọt giả thường không đủ trọng lượng nên nhìn không đầy đặn, giá rẻ và không đồng nhất một giá như bột ngọt thật.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tô Thị Hòa |
KHÁNH QUỲNH