Thứ Năm, 16/05/2024 00:36 SA
Trồng cây dược liệu: Nhiều triển vọng
Thứ Bảy, 10/09/2016 07:58 SA

Thu hoạch cà gai leo tại trại của ông Hồ Nam - Ảnh: THỦY TIÊN

Những năm qua, người dân các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa, TP Tuy Hòa đã đầu tư trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu có được đầu ra ổn định, cây dược liệu có thể trở thành loại cây mang lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

 

Hiệu quả kinh tế cao

 

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay toàn tỉnh có hơn 20ha chuyên trồng các loại cây dược liệu như diệp hạ châu, cỏ mực và cà gai leo. Sản phẩm sau thu hoạch cung cấp cho Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung hoặc bán trực tiếp cho các viện dược liệu.

Theo Sở NN-PTNT, cây dược liệu được người dân bắt đầu trồng từ năm 2009 khi dự án Trồng và phát triển cây dược liệu an toàn, phù hợp với vùng đất Phú Yên được Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung (có trụ sở tại huyện Đông Hòa) triển khai. Các loại cây dược liệu được trồng chủ yếu là diệp hạ châu và cỏ mực.

 

Ông Đoàn Văn Tiết ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa, trên diện tích 7 sào ruộng (1 sào: 500m2), mỗi năm canh tác được 2 vụ, thu hoạch khoảng 5 tấn lúa, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 10 triệu đồng. Thu nhập như vậy không đủ trang trải cho gia đình. Năm 2009, khi Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung triển khai dự án trồng dược liệu về địa phương, gia đình tôi đã chuyển hết 7 sào đất trồng lúa sang trồng cây diệp hạ châu.

 

Theo ông Tiết, so với lúa thì diệp hạ châu có nhiều ưu điểm hơn hẳn. Vụ trồng ngắn chỉ kéo dài khoảng 50 ngày vì vậy trên một chân đất, ông Tiết có thể luân canh giữa cây diệp hạ châu với cây bắp; 1 năm ông canh tác được 4 vụ (3 vụ diệp hạ châu, 1 vụ bắp). Diệp hạ châu là cây dược liệu, trồng để cung cấp cho trung tâm sản xuất thuốc nên khi trồng tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm chi phí đầu tư. Bình quân, mỗi sào diệp hạ châu cho năng suất khoảng 1 tấn, giá bán khoảng 3.300 đồng/kg, cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/năm.

 

Còn theo ông Ba Bình cũng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), hiện gia đình ông có 12 sào đất chuyên trồng cây cỏ mực để cung ứng cho Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung. Mỗi năm, ông canh tác 2 vụ cỏ mực với năng suất đạt 1 tấn/sào, giá cỏ mực hiện nay là 3.700 đồng/kg. Như vậy, mỗi năm, gia đình ông Bình thu nhập hơn 80 triệu đồng từ trồng loại cây dược liệu này. Ông Ba Bình cho biết: Nếu diện tích đất này tôi chỉ trồng lúa thì mỗi năm chỉ thu khoảng 24 triệu đồng. Từ ngày gia đình tôi thực hiện luân canh giữa cây lúa và cỏ mực, thu nhập tăng gấp nhiều lần.

 

Ngoài trồng cỏ mực, diệp hạ châu, nhiều hộ dân cũng bắt đầu trồng thêm cây cà gai leo. Ông Hồ Nam ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) là một trong những người đầu tiên ở Phú Yên trồng loại cây dược liệu mới này. Ông Nam cho biết: Hiện nay, trang trại tôi đã trồng được 1ha cây cà gai leo, trong đó có 6 sào đã cho thu hoạch lứa 2, 14 sào đang chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu. Cũng như cây cỏ mực và diệp hạ châu, cà gai leo có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch lứa đầu chỉ mất khoảng 4 tháng. Các lứa thu hoạch tiếp theo chỉ còn khoảng 2-3 tháng vì lúc này bộ rễ của cây đã phát triển mạnh nên cây mau lớn. Cây cà gai leo cũng rất dễ thu hoạch, khi đến kỳ, người trồng chỉ cần dùng máy cắt cỏ cắt sát gốc, đem cả thân, cành, lá vào máy xén nhỏ và phơi khô là tiêu thụ được. Các gốc cà gai leo vừa được cắt chỉ cần chăm tưới nước thì cây sẽ mọc lên rất nhanh. Mỗi cây cà gai leo cho thu hoạch trong vòng 3 năm, sau đó mới phải phá bỏ gốc để trồng mới lại. Theo ông Nam, mới đây, ông vừa thu hoạch lứa 2 đạt sản lượng hơn 2 tấn/6 sào. Toàn bộ sản phẩm cà gai leo, ông đều cung cấp cho Viện Dược liệu Trung ương với giá từ 17.000-18.000 đồng/kg.

 

Cần mở rộng thị trường tiêu thụ

 

Với hiệu quả kinh tế vượt trội từ trồng cây dược liệu, hiện rất nhiều hộ dân trong tỉnh đang muốn mở rộng sản xuất để tăng thu nhập, đưa các loại dược liệu trở thành cây trồng chủ lực của gia đình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm. Ông Đặng Tiến ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), cho hay: Hiện gia đình tôi trồng 5 sào diệp hạ châu, mỗi năm thu được 2 lứa để cung cấp theo đơn hàng của Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung. So với trồng lúa hay trồng màu thì trồng dược liệu cho thu nhập cao hơn hẳn, gia đình tôi muốn tăng thêm vụ nhưng hợp đồng thu mua của trung tâm có giới hạn nên chưa thể trồng thêm.

 

Để giải bài toán đầu ra cho dược liệu, hiện một số địa phương đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, ngoài một số diện tích đang trồng cây dược liệu cung cấp cho Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung, địa phương còn xây dựng vùng chuyên trồng cà gai leo rộng 3ha và 6ha trồng diệp hạ châu để cung cấp cho cơ sở thu mua dược liệu ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa).

 

Ngoài ra, nhiều người trồng cây dược liệu cũng chủ động kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo ông Trần Minh Thắng ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), phần lớn số diệp hạ châu sau thu hoạch của gia đình ông đều cung cấp cho Viện Dược liệu Trung ương 2 và một số thương lái ở các tỉnh miền Bắc. Còn ông Hồ Nam thì cho hay, hiện nay, giá thu mua sản phẩm cà gai leo của Viện Dược liệu Trung ương tuy chưa được cao nhưng đổi lại viện sẵn sàng bao tiêu tất cả sản phẩm thu hoạch của gia đình vì vậy đầu ra được ổn định. 

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek