Nhiều người có thu nhập thấp đã chọn phương thức mua trả góp để có được một chiếc xe gắn máy. Song việc này hóa ra không đơn giản như họ vẫn nghĩ.
Muốn mua xe trả góp, phải cân đối thanh toán đúng hẹn để tránh cảnh tiền mất, xe chẳng còn - Ảnh: Đ.NGUYÊN |
Một nhân viên của cửa hàng xe gắn máy P.T trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết, để mua trả góp một chiếc xe gắn máy trị giá hàng chục triệu đồng chỉ cần có bản photo hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người mua xe (cầm theo bản chính để đối chiếu). Các cửa hàng đưa ra mức tiền phải thanh toán trước tối thiểu 40%, số còn lại có thể trả góp trong thời gian từ 9 tháng đến 2 năm kèm theo lãi suất 1,35%/tháng. Do thủ tục đơn giản nên nhiều người có thu nhập thấp đã chọn phương thức mua trả góp để có được một chiếc xe gắn máy. Chủ doanh nghiệp tư nhân X.H trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) cho biết, hiện lượng xe bán theo hình thức trả góp của doanh nghiệp này chiếm đến 40% doanh thu. Hình thức bán xe trả góp đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để thu hút đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.
Dịch vụ trả góp thông qua ngân hàng đã nở rộ ở Phú Yên từ nhiều năm qua. Để mua xe trả góp, khách hàng phải chấp nhận một số điều kiện. Thứ nhất, khách hàng phải trả tiền góp mua xe với lãi suất cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng. Thời gian trả càng dài, lãi suất càng cao. Tất nhiên, giá tiền chiếc xe mua trả góp cao hơn hẳn so với xe mua trả tiền một lần. Nếu khách hàng trả không nổi thì sẽ mất xe. Ông Trần Văn Tình ở xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa kể: “Cách đây 2 năm, tôi đến cửa hàng bán xe gắn máy ở TP Tuy Hòa mua trả góp một chiếc xe trị giá 8,6 triệu đồng. Tôi thanh toán trước 3 triệu đồng, phần còn lại sẽ trả trong vòng 12 tháng. Sau khi mãn hợp đồng, tôi vẫn còn nợ 3,5 triệu đồng. Thế là cửa hàng đến thu xe để trừ nợ. Cuối cùng tiền mất mà xe cũng chẳng còn”.
Một phiền toái không nhỏ nữa là khách hàng mua xe trả góp không được giữ bản gốc giấy đăng ký mô tô, xe máy. Để “nắm đằng chuôi”, chủ cửa hàng sẽ giữ bản gốc và đưa cho khách hàng bản photocopy có công chứng (bản gốc sẽ được giao cho khách hàng khi họ đã trả dứt nợ). Tuy nhiên, theo một cán bộ cảnh sát giao thông, bản photo đó hoàn toàn... vô tác dụng! Như vậy, thời gian trả góp càng dài thì khách hàng lưu thông trên đường một cách bất hợp pháp càng lâu. Ở đây, người tiêu dùng vẫn là người “nắm đằng lưỡi”!
ĐĂNG NGUYÊN