Nhằm ổn định hoạt động kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng và nhiều địa phương đã và đang tích cực đôn đốc, hoàn thiện phương án, lựa chọn nhà đầu tư… để chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ UBND phường, xã, thị trấn sang doanh nghiệp, HTX.
Theo Sở Công thương, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ địa phương đến doanh nghiệp, HTX được sở triển khai từ năm 2013. Toàn tỉnh có 117 chợ từ hạng 3 trở lên; trong đó, 73 chợ đủ điều kiện chuyển đổi mô hình. Đến nay, tổng số chợ đã được chuyển đổi là 66 chợ; trong đó TP Tuy Hòa 7, các huyện Tây Hòa 9, Sông Hinh 4, Sơn Hòa 2, Đồng Xuân 9, TX Sông Cầu 6, Tuy An 15, Phú Hòa 9, Đông Hòa 5. Hiện một số chợ đang tiến hành thủ tục, một số chợ xây mới thì chờ hoàn thành các hạng mục cần thiết mới chuyển đổi. Để ổn định hoạt động kinh doanh trên địa bàn và đạt một trong những tiêu chí nông thôn mới, các địa phương đang khẩn trương thực hiện công tác này.
Chợ Yến (xã An Hòa, huyện Tuy An) được xây dựng với tổng mức đầu tư trên 2,7 tỉ đồng. Theo ông Trần Sáu, Chủ tịch UBND xã An Hòa, hiện chợ Yến đã xây xong. Đây là một trong những công trình dân sinh được xây dựng mới tại xã nhằm từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, phục vụ nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa của người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế địa phương. Đến nay xã đã thông báo cho tiểu thương di dời vào khu vực kinh doanh. Xã cũng hoàn thành phương án chuyển đổi mô hình quản lý; dự kiến trong tháng 10, chợ Yến sẽ đi vào hoạt động ổn định với hình thức quản lý mới.
Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), cho biết: Chợ Xéo là chợ chính của xã. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, xã Bình Ngọc chỉ còn tiêu chí chợ là chưa hoàn thành. Địa phương đang “chạy nước rút” để hoàn thành công trình xây dựng chợ mới. Chợ Xéo được xây mới với hình thức chợ lều, có 88 sạp cố định; trong đó, hàng trái cây 8 lô, tạp hóa 9, vải 2, may mặc sẵn 10, giày dép 3, giải khát 8, rau củ quả 16, cá 16, thịt 12, trứng nấm 4. Xã Bình Ngọc đã thông báo cho các hộ kinh doanh đăng ký để chuyển vào bán. Hồ sơ chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng đã được phê duyệt. Quan điểm của địa phương là ổn định trật tự chợ; do đó sẽ ưu tiên cho những hộ kinh doanh cũ, còn những hộ mới phát sinh sẽ cho bốc thăm. Xã cũng xin chủ trương của UBND TP Tuy Hòa, thời gian đầu sẽ chỉ định thầu cho HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc quản lý.
Theo UBND TP Tuy Hòa, qua 3 năm thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn, TP Tuy Hòa đã thực hiện chuyển đổi và ký hợp đồng bàn giao cho các doanh nghiệp, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý 7/14 chợ. Còn chợ Tuy Hòa cơ sở 1 và 2 lần lượt là chợ hạng 1 và hạng 2 đều do Ban Quản lý chợ Tuy Hòa điều hành, quản lý, do đó cần xây dựng phương án nhân sự hợp lý trước khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác 2 chợ nêu trên. Một số chợ chưa được đầu tư xây dựng nhà lồng, nhà vệ sinh, nhà quản lý nên chưa đủ điều kiện để chuyển đổi. Với những chợ đủ điều kiện, thành phố đang đôn đốc các xã, phường sớm hoàn thành phương án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, góp phần xây dựng TP Tuy Hòa hiện đại, văn minh.
Chính sách chuyển đổi mô hình quản lý chợ là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện để các chợ truyền thống từng bước được xây dựng văn minh thương mại, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tuy không có lộ trình cụ thể nhưng đây là mô hình cần quyết liệt triển khai và hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là những xã phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới; do đó cần có sự nỗ lực từ chính quyền các địa phương, ban quản lý chợ. Sở Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chợ cho cán bộ, nhân viên phụ trách; tổ chức các lớp huấn luyện phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường cho tư thương tham gia kinh doanh tại chợ.
Ông Huỳnh Công Điềm, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh |
VÕ PHÊ