Học ngành Công nghệ môi trường, nhưng Trương Hiệp lại say mê nghiên cứu về sinh học. Niềm đam mê này đã đưa Hiệp đến với việc trồng nấm và có được thu nhập khá.
Trương Hiệp sinh năm 1996, ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), đang học năm thứ 2 ngành Công nghệ môi trường tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa. Trong chương trình học năm nhất của ngành này, Hiệp được cô Phạm Thị Hữu Kiều dạy phần công nghệ sinh học. Từ buổi đầu nghiên cứu về công nghệ sinh học, Trương Hiệp thích nhất là quy trình trồng nấm. Tháng 3/2016, Hiệp xin trường học thêm chuyên ngành Công nghệ sinh học với mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Càng đi sâu nghiên cứu, em càng đam mê và muốn học hỏi nhiều hơn về quy trình trồng nấm, nghiên cứu các loại vật liệu trồng nấm mới… Hiệp chia sẻ: Vì chưa có kinh nghiệm nên em gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với quy trình trồng nấm. Việc đưa kiến thức được học tại trường vào thực tế còn có độ chênh nhất định nên em nhiều lần thất bại. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của cô Kiều nên em vượt qua khó khăn và trồng nấm thành công.
Để hiện thực hóa đam mê của mình, Trương Hiệp xin gia đình đầu tư trồng nấm sò tại nhà với số vốn ban đầu vỏn vẹn chỉ 10 triệu đồng để xây nhà trồng nấm, mua nấm giống. Nguyên liệu để trồng loại nấm này phổ biến nhất là trồng nấm sò trên rơm, mùn cưa. Sau khi xử lý nguyên liệu thì cấy giống và sau khi hoàn thành công đoạn này thì chuyển các bịch đã cấy giống vào phòng nuôi sợi. Thời gian nuôi sợi kéo dài từ 25-30 ngày, tùy theo mùa và thời tiết.
Hiện trung bình mỗi tháng, Hiệp thu hoạch gần 130kg nấm, bán ra thị trường và thu gần 3 triệu đồng/tháng. Trương Hiệp cho biết thêm: Ban đầu em nhờ mẹ mang sản phẩm ra chợ Hòa Đa, xã An Mỹ bán và giới thiệu với tiểu thương. Sau một thời gian, mọi người quen với loại nấm này nên nhiều người trực tiếp đến thăm trại nấm và mua sản phẩm.
Theo bà Đào Thị Lành, ở xã An Mỹ, cứ đến ngày rằm, bà đến nhà Hiệp để mua nấm về nấu ăn. Còn theo chị Lê Thị Kim Tín, tiểu thương tại chợ Hòa Đa, thay vì lấy nấm từ những nơi khác về bán thì hàng ngày chị đều đến nhà Hiệp để mua nấm. Mỗi ngày, chị mua khoảng 2kg nấm, ngày rằm và đầu tháng thì mua nhiều hơn để về bán lại cho người tiêu dùng.
Ngoài trồng nấm bằng rơm truyền thống, Hiệp còn nghiên cứu trồng nấm bằng mùn cưa để tận dụng nguồn phế thải của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trong vùng. Trong Hội thi Sinh viên khởi nghiệp do Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tổ chức vừa qua, mô hình trồng nấm của Hiệp lọt vào vòng chung kết. Hiệp cho biết: “Thời gian tới, em sẽ tích cực học hỏi chuyên sâu về công nghệ sinh học, nhất là quy trình trồng, bảo quản nấm; đồng thời tìm nguồn tiêu thụ để tăng thu nhập. Ngoài ra, em cũng sẽ tiếp cận với các cơ quan chuyên môn hay doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này để tìm cơ hội phát triển nghề trồng nấm, mở rộng quy mô sản xuất”.
ThS Phạm Thị Hữu Kiều, giảng viên tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, nhận định: Trương Hiệp là sinh viên có ý thức cao trong học tập, nghiên cứu. Ý tưởng khởi nghiệp từ trồng nấm của Hiệp có tính sáng tạo và cũng rất hữu ích. Do còn khó khăn về vốn, tìm kiếm thị trường nên rất cần sự đầu tư của các doanh nghiệp, mạnh thường quân để em thực hiện khát vọng khởi nghiệp của mình.
TRẦN QUANG