Thứ Tư, 20/11/2024 09:36 SA
Ứng dụng tưới tự động vào sản xuất:
Giải pháp hữu hiệu thích ứng với nắng hạn
Thứ Ba, 02/08/2016 11:00 SA

Người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và tự động cho vườn tiêu - Ảnh: THỦY TIÊN

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tình trạng hạn hán trở nên gay gắt, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Để thích nghi với biến đổi khí hậu, nhiều nông dân ở Phú Yên đã ứng dụng tưới tự động vào sản xuất, giúp tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả canh tác.

 

Hiệu quả vượt trội

 

Địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ tưới tự động vào sản xuất là huyện Tây Hòa. Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, năm 2012, một số hộ dân trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây đã đầu tư kinh phí, lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn tiêu của mình. Từ những hiệu quả vượt trội của công nghệ tưới này, nhiều hộ dân nơi đây đã mở rộng đầu tư.

 

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn tiêu rộng 2,2ha của gia đình, ông Phan Quốc Nông ở xã Sơn Thành Tây, cho biết: Gia đình tôi trồng tiêu nay đã hơn chục năm. Nước tưới phụ thuộc vào nguồn nước ngầm, bà con khai thác bằng cách khoan giếng và bơm tưới cho tiêu. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều giếng khoan trong vùng cạn nước dần. Đặc biệt, đến những tháng mùa khô, chỉ bơm được một lát là giếng cạn phải nghỉ chờ vài giờ đồng hồ mới có thể bơm lại, việc tưới nước rất vất vả và mất thời gian. Đến năm 2012, khi thấy nhiều nông dân trong Nam lắp đặt hệ thống tưới tự động rất hiệu quả, giúp tiết kiệm được nhiều nước và chi phí, gia đình tôi đã đầu tư hơn 44 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới hiện đại này cho 1ha tiêu.

 

Vườn tiêu nhà ông Nông sau khi được lắp đặt hệ thống tưới tự động đã giúp tiết kiệm được rất nhiều nước và chi phí nhân công. Ông Nông nói: Từ năm 2012, khi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và tự động, mỗi khi tưới, tôi chỉ cần bật máy là nước được đưa đến từng gốc tiêu, mình chỉ cần canh giờ để chuyển vùng tưới. Không chỉ vậy, khi tưới bằng hệ thống này, nước tưới được điều tiết rất nhẹ làm nước thấm sâu, không gây xói đất, không chảy tràn ra ngoài, giúp tiết kiệm được hơn 30% lượng nước nhờ tưới đúng chủ đích. Trong khi đó, tôi lại không tốn chi phí thuê công tưới”. Thấy hệ thống tưới này mang lại hiệu quả vượt trội nên ông Nông tiếp tục đầu tư thêm cho 1,2ha tiêu còn lại.

 

Còn theo ông Nguyễn Đức Chung cũng ở xã Sơn Thành Tây, ông vừa lắp đặt xong hệ thống tưới tự động cho 4 sào (1 sào = 1.000m2) tiêu. Với diện tích này, bình quân mỗi đợt tưới (tiêu tưới 2 đợt/tháng, mỗi năm tưới từ 6-8 tháng tùy thuộc vào thời tiết - PV) ông phải tốn 3 công với chi phí 360.000 đồng; tương đương khoảng 5 triệu đồng/năm. Ngoài ra, từ hệ thống tưới này, ông Chung còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí bón phân cho tiêu. “Mỗi đợt vô phân, tôi hòa lượng phân cần thiết vào hồ nước và bơm nước này qua hệ thống tưới dẫn đến từng gốc tiêu. Nhờ vậy, tôi không phải tốn công bón phân, phân hao hụt do nước trôi cũng hạn chế. Ngoài ra, công nghệ tưới tự động giúp nước không bị chảy phun ra ngoài nên hạn chế được cỏ phát triển…”, ông Chung nói.

 

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Ước tính toàn huyện có khoảng 100ha tiêu được lắp đặt hệ thống tưới tự động, giúp tiết kiệm được hơn 30% lượng nước tưới so với trước. Đây là giải pháp hữu hiệu để thích ứng với điều kiện khô hạn hiện nay. Ngoài ra, công nghệ tưới này còn giúp bà con tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng/ha tiêu/năm từ chi phí công tưới và bón phân nên người dân rất ưa chuộng. Khó khăn nhất hiện nay là chi phí đầu tư hệ thống tưới tự động khá cao, ít nông dân có điều kiện lắp đặt.

 

Đẩy mạnh ứng dụng

 

Từ những hiệu quả vượt trội của công nghệ tưới tự động, hiện nay, nhiều nông dân đã đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến này vào sản xuất. Ông Trương Quang Tường ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương này thực hiện tưới tự động cho vườn rau. Ông Tường cho biết: Năm 2013, tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn rau rộng 5 sào của gia đình bằng giàn tưới phun mưa. Từ khi có giàn tưới này, vào vụ hè, tôi vẫn có thể sản xuất ổn định nhờ có nước tưới. Trước đây, với cách tưới truyền thống, mỗi lần bơm tưới tốn rất nhiều nước nhưng nước chảy tràn ra ngoài hết 50%. Bây giờ giàn tưới phun mưa sử dụng ít nước, nước lại được phun tỉa đều lên rau tạo độ ẩm cần thiết, hạn chế sâu bệnh hại, năng suất rau tăng cao và tiết kiệm công tưới.

 

Theo Hội Nông dân TP Tuy Hòa, hiện nay, tại các vùng sản xuất rau màu của thành phố, nông dân cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ tưới tự động vào sản xuất. Phát triển mạnh nhất là xã Hòa Kiến với diện tích ứng dụng khoảng 10ha. Ngoài ra, tại xã Bình Ngọc và phường Phú Lâm, người dân cũng đang học tập làm theo nhưng còn hạn chế.

 

Sở NN-PTNT đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tự động vào sản xuất và đang chờ phê duyệt. Khi mô hình được thông qua, sở sẽ giao Trung tâm Khuyến nông triển khai để giới thiệu và hướng dẫn nông dân lắp đặt công nghệ tưới tiên tiến này, giúp tiết kiệm nước để thích nghi với điều kiện thời tiết khô hạn hiện nay.

 

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Khoa học -

Môi trường và hợp tác phát triển (Sở NN-PTNT)

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek