Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN-PTNT, nhiều hội viên nông dân ở TP Tuy Hòa có điều kiện đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Bà đỡ” cho nông dân
Gia đình ông Trần Văn Bửu ở khu phố Phước Hậu 3 (phường 9) là một trong những hộ đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi. Ông Bửu cho biết: “Vợ chồng tôi có 1.000m2 đất nhưng mấy năm trước đây không có tiền đầu tư lớn nên đành trồng các loại rau, bán không hiệu quả. Năm 2011, thông qua Hội Nông dân phường 9, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 30 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi đúc chậu đầu tư trồng mai, quất và cúc bán tết. Để có kiến thức chăm sóc và tạo dáng cho cây, tôi đăng ký tham gia lớp học nghề trồng và chăm sóc cây cảnh do Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Từ đó đến nay, 500 chậu mai và 250 chậu quất của nhà tôi không phải thuê người tạo dáng, mỗi năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng”. Năm 1996, sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Nguyễn Minh Chính ở thôn Phú Lương (xã An Phú) chỉ có hai bàn tay trắng. Năm 2010, thông qua Hội Nông dân xã, ông Chính vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên về nuôi bò, nuôi heo. Ông Chính chia sẻ: “Đến nay, vợ chồng tôi có 9 con bò và 3 con heo nái, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ việc bán bò, heo. Hiện chúng tôi không những có điều kiện nuôi con ăn học mà còn trả dứt điểm số nợ của ngân hàng”.
Không chỉ gia đình ông Bửu, ông Chính biết phát huy nguồn vốn vay để làm ăn thoát nghèo mà hiện nay, ở TP Tuy Hòa có cả trăm hộ nông dân tiếp cận được các nguồn vốn vay và sử dụng đúng mục đích, có điều kiện làm ăn mang lại hiệu quả cao. Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường 6 Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: “Đến nay, Hội Nông dân phường đã thành lập được 4 tổ vay vốn với 187 hộ vay, tổng dư nợ trên 2,1 tỉ đồng. Bà con vay vốn chủ yếu đầu tư mua lưới đánh bắt nên nhiều hộ có điều kiện trả nợ gốc và không có hộ nào nợ quá hạn”. Theo Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hồ Văn Thục, thông qua Hội Nông dân TP Tuy Hòa, đơn vị đã ủy thác cho 2.584 hộ vay với tổng dư nợ trên 41 tỉ đồng. Những hộ được vay vốn hầu hết thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… và đa số bà con sử dụng vốn vào trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt nên trả nợ rất đúng hạn, chỉ có một số ít trường hợp vì yếu tố khách quan nên trả nợ chậm.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Chủ tịch Hội Nông dân TP Tuy Hòa Huỳnh Khắc Hiếu cho biết: “Để quản lý và phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, chúng tôi tiếp tục tăng cường giám sát các hộ vay có sử dụng đúng mục đích hay không, nếu không sẽ có biện pháp thu hồi. Ngoài ra, định kỳ hàng quý, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức họp giao ban, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ ủy thác, đồng thời phân tích các mặt còn tồn tại, hạn chế, đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả hơn. Nhờ đó, nhiều hội viên, nông dân đã nỗ lực làm ăn, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có không ít hộ trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”.
Ông Hiếu cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội khảo sát những hộ dân có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn cụ thể, làm sao ngày càng có nhiều hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để làm ăn thoát nghèo. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng sẽ chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức nhiều buổi dự thảo đầu bờ, các lớp tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thâm canh cây lúa, hoa cây cảnh, rau màu…; tổ chức các chương trình IPM, chương trình 1 phải 5 giảm, sạ thưa, sạ hàng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hợp lý để hội viên, nông dân có kiến thức làm ăn vươn lên thoát nghèo căn cơ...
HIẾU TRUNG