Qua 5 năm thực hiện Quyết định 1923/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015, nền móng TMĐT của Phú Yên đã bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, để TMĐT phát huy được vai trò hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết:
Đến nay, ở Phú Yên, hơn 70% doanh nghiệp đã biết đến lợi ích của TMĐT. Trong đó, hơn 95% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng TMĐT trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin để phục vụ sản xuất kinh doanh. Một số đơn vị đã hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT. Đáng chú ý là hoạt động kinh doanh dịch vụ của ngân hàng, các hình thức thanh toán điện tử đã phát triển mạnh…
* Bên cạnh những kết quả trên, hoạt động TMĐT còn tồn tại những khó khăn, bất cập gì, thưa bà?
- Việc phát triển TMĐT trên địa bàn trong thời gian qua còn những tồn tại. Cụ thể, việc triển khai phát triển TMĐT còn lúng túng; việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành còn nhiều bất cập; một số chính sách chưa thực sự hỗ trợ, tạo điều kiện để TMĐT phát triển.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ cho TMĐT tại các doanh nghiệp còn hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa có người chuyên trách về TMĐT mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Việc triển khai ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả mang lại chưa cao, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung. Phần lớn website của các doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư cập nhật thông tin thường xuyên và sử dụng website như một phương tiện kinh doanh...
* Vậy đâu là nguyên nhân của những hạn chế này?
- TMĐT là một lĩnh vực còn khá mới mẻ nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh. Trong khi đó, đối với nhiều cán bộ quản lý nhà nước về TMĐT chỉ mới đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, hầu hết chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này nên gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hạn chế, khả năng tài chính hạn hẹp nên chưa thực sự chú trọng đến việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, hạ tầng TMĐT của tỉnh tuy đã phát triển nhưng chưa đồng bộ; độ tin cậy, tính pháp lý của các giao dịch điện tử chưa cao nên việc mở rộng các giao dịch thương mại còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên doanh nghiệp còn ngại ứng dụng TMĐT trong giao dịch mua bán.
* Trong giai đoạn 2016-2020, để phát triển TMĐT, ngành Công thương đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ gì?
- Giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu chung là triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT của tỉnh, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, được doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cụ thể, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu 100% doanh nghiệp lớn, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ có website riêng để cập nhật thông tin quảng bá thương hiệu, sản phẩm doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng TMĐT trên internet hoặc trên nền tảng di động; 10%-20% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong quản lý và sản xuất kinh doanh; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và 30% cơ sở phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi có hình thức thanh toán qua thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng…
Trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức về TMĐT cho doanh nghiệp và người dân; đào tạo phát triển nguồn nhân lực về TMĐT, trong đó chú trọng đào tạo các chuyên đề phù hợp với các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Sở Công thương cũng phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT như xây dựng sàn giao dịch điện tử của tỉnh đủ về điều kiện kỹ thuật, công cụ, tiện ích cũng như nguồn nhân lực cần thiết giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao dịch trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT của tỉnh và thế giới; giới thiệu các giải pháp bán hàng trực tuyến cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước về TMĐT nhằm phát huy vai trò của TMĐT đối với doanh nghiệp…
* Xin cảm ơn bà!
NGÔ XUÂN (thực hiện)