Đặc điểm của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay diễn ra chậm, trình độ đô thị hóa thấp và TP Tuy hòa cũng không nằm ngoài tình trạng này. Việc đô thị hóa có nhiều mặt tích cực, đó là: đô thị hóa tác động mạnh tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các đô thị đóng góp lớn vào GDP, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ; đô thị còn là thị trường tiêu thụ lớn, tập trung đông lực lượng lao động có trình độ, có sức hút đầu tư và có khả năng tạo việc làm.
Bên cạnh mặt tiêu cực, quá trình đô thị hóa cũng phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết như: vấn đề việc làm cho nông dân bị mất đất sản xuất, an ninh trật tự xã hội phức tạp, môi trường ở đô thị ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên suy thoái… tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người dân đô thị. Chính vì vậy cần có một định hướng quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái và đô thị bền vững về môi trường là một hướng đi mới để áp dụng trong thực tiễn. Mục tiêu là hướng tới một đô thị hiện đại, xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.
Núi Nhạn - khu vực cần được đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị góp phần hình thành một đô thị xanh - Ảnh: TRỌNG CƯỜNG |
Đô thị xanh
Lợi ích mà đô thị xanh mang lại cho cuộc sống người dân là điều không bàn cãi. Với đặc điểm nổi bật là có nhiều không gian xanh, chất lượng môi trường xanh, hài hòa các hệ sinh thái đô thị và hệ sinh thái tự nhiên, nó sẽ tạo ra môi trường sống tốt, bảo đảm sức khỏe và tiện nghi cho người dân. Xây dựng đô thị xanh cần thực hiện các vấn đề:
Thứ nhất là quy hoạch, sử dụng đất đô thị hợp lý và bảo đảm không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của đô thị xanh, đô thị sinh thái. Quy hoạch đô thị xanh phải tạo ra các không gian xanh và mặt nước sao cho người dân đô thị, khách du lịch khi đi trên đường phố không bị các mảng bê tông che chắn, có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh, thảm cỏ xanh.
Hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và khí hậu, tôn cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc. Các vườn hoa, công viên, không gian xanh và mặt nước là một thành tố không thể thiếu. Chúng phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, đi dạo của nhân dân và khách du lịch.
Hiện nay, các công viên tại Tuy Hòa đầu tư chưa tới nơi, chưa đẹp, một số công viên cũ, không được đầu tư cây xanh, tưới nước thường xuyên nên càng lúc càng xuống cấp; công viên mới thì đầu tư sơ sài, như công viên Gò Máng ở đường Hùng Vương rất lãng phí vị trí. Nhà nước nên mạnh dạn xã hội hóa để những công viên này ngày càng đẹp hơn.
Thứ hai, giao thông đô thị xanh. Đây là một tiêu chí rất quan trọng. Các tiêu chí đánh giá giao thông đô thị bền vững, giao thông đô thị xanh là quy hoạch đô thị và xây dựng hệ thống giao thông bền vững về mặt môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ; thắt chặt dần tiêu chuẩn môi trường. Hiện nay, TP Tuy Hòa có một số con đường có cây xanh, hoa rất đẹp như đường Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành… một số vỉa hè được trồng xen kẽ hoa và lối đi, vừa đẹp vừa giảm việc bán hàng rong, cần nhân rộng mô hình này.
Thứ ba là công nghiệp xanh. Sản xuất công nghiệp sẽ phát thải ra nhiều chất thải khí, chất thải lỏng và chất thải rắn, làm môi trường xung quanh bị ô nhiễm. Vì vậy, muốn bảo đảm đô thị xanh, phải phát triển công nghiệp xanh với các tiêu chí cơ bản: sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu có hiệu quả cao, tức là tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu, phát sinh chất thải ít nhất, sản xuất ra sản phẩm nhiều nhất; phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp; cải tiến quá trình công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn. Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện chu trình tái sử dụng, tái chế chất thải trong ngành sản xuất công nghiệp để giảm thiểu chất thải thải ra môi trường; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng từ đốt nhiên liệu hóa thạch.
Thứ tư là công trình kiến trúc xanh (Green Building). Các công trình kiến trúc đô thị có thể tiêu thụ tới 70% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn đô thị. Để trở thành đô thị xanh, các công trình kiến trúc phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí: xanh hóa công trình, tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng, tiết kiệm nguồn nước, thải chất thải ra môi trường ít nhất, môi trường trong nhà xanh. Vận động người dân làm hàng rào bằng hoa như dâm bụt, hoa giấy, hoa tỏi… bài trí cây cảnh trong nhà kèm theo đèn trang trí vào đêm.
Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, lịch sử cũng là vấn đề cần được quan tâm đầu tư. Chính hệ thống này phục vụ đắc lực trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương và nhu cầu tham quan của khách du lịch. TP Tuy Hòa có nhiều công trình cần tôn tạo và chăm sóc, như: Núi Nhạn - ngọn núi nằm giữa lòng thành phố, bên con sông Ba rất hữu tình; núi Chóp Chài với quần thể kiến trúc Phật giáo trang nghiêm và nhiều công trình, địa danh hay.
Chất lượng môi trường đô thị xanh là khi có đô thị xanh và phải đạt được chất lượng môi trường không khí, nguồn nước sạch; quản lý nguồn chất thải rắn tốt; vệ sinh đường phố luôn sạch. Cộng đồng dân cư đô thị sống thân thiện với môi trường.
Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hóa với tốc độ cao, phát triển “đô thị xanh” là giải pháp giúp các thành phố ở Việt Nam nói chung và TP Tuy Hòa nói riêng, phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường.
Đô thị sạch
Một trong những vấn đề không vướng bởi cơ chế, cũng không phải tốn công, tốn nhiều kinh phí, nếu như “dàn hợp xướng” là chính quyền và nhân dân cùng hòa một nhịp để cùng thực hiện vệ sinh đô thị, hướng đến một đô thị sạch.
Chúng ta có thể so sánh các đô thị văn minh bằng cách nhìn kiểu đổ rác và lấy rác. Hiện nay trên các con đường ở Tuy Hòa, các xe gom rác thủ công để ngổn ngang, tập trung nhiều nhất là ở gần các trường học, trụ sở cơ quan. Người dân thì chưa có nhận thức một cách tự giác về cách tập kết rác, họ cứ gom về các ngã tư đường thành đống, đổ rác không đúng nơi quy định, làm cho TP Tuy Hòa nghiễm nhiên tồn tại những khu vực tập kết rác, lâu năm, rất mất mỹ quan. Có thể dễ dàng thấy rác ở các khu vực: gần Sở Xây dựng, Bảo hiểm xã hội tỉnh, dọc đường Độc Lập, cầu Lê Lợi… Vấn đề này xử lý rất dễ, chỉ cần sự quyết tâm của các cấp chính quyền, thông qua việc truyền thông đến từng hộ dân. Các cơ quan chức năng về môi trường cần phát động dọn rác các khu vực rác tự phát, vận động dọn rác tại công sở, dọn sạch vỉa hè, đường phố, đường gom dân sinh thì đô thị Tuy Hòa sẽ khang trang ngay. Vấn đề mua bán trên vỉa hè hiện nay trên địa bàn TP Tuy Hòa cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị nghiêm trọng.
Chuyện nhỏ từ rác đang thành chuyện lớn. Đó không chỉ là thói quen mà chính là thể diện, không chỉ là việc tốn công, tốn tiền mà chính là nâng cao chất lượng sống, không chỉ là vấn đề môi trường mà là phát triển bền vững. Rác ở đây không chỉ là rác thải sinh hoạt, mà bao hàm cả rác kiến trúc là những công trình xấu xí, hỏng hóc, không sử dụng được nữa cần tháo dỡ, ví dụ như một số trụ cổng khu phố văn hóa ở các phường, vừa xấu vừa không còn bảng nữa, chỉ còn trơ cái trụ xuống cấp; một số trụ điện, biển báo giao thông đặt ở những vị trí không hợp lý và hỏng, nghiêng ngả cũng cần thay... Vì thế, nếu chỉ dừng lại ở “bản tự kiểm điểm” thì chuyện đô thị sạch không biết đến bao giờ mới thực hiện được.
Đô thị đẹp
Đô thị là sản phẩm của văn minh xã hội, nó phản ánh một cách tổng hợp quá trình và trình độ phát triển của xã hội. Đô thị đẹp phải là sản phẩm của quá trình và trình độ phát triển của một xã hội tốt. Chính vì thế, để xây dựng được một đô thị đẹp cần rất nhiều yếu tố nhưng đối với nước ta hiện nay, cần những yếu tố quan trọng sau.
Để có được một đô thị đẹp thì quy hoạch tốt luôn phải đi theo kiến trúc đô thị và cảnh quan đô thị tốt.
Vốn đầu tư cũng chính là một yếu tố quan trọng để có một đô thị đẹp. Trong tình hình hiện nay, ngân sách Nhà nước đầu tư cho xây dựng hạ tầng đô thị, cải tạo đô thị còn hạn hẹp, thành phố nên có chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa để các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có thể tham gia thuê và đầu tư một số công việc tại các vị trí có giá trị du lịch, danh thắng, công viên. Dĩ nhiên vấn đề xã hội hóa đầu tư và phát triển này phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dưới sự quản lý, kiểm soát trong quá trình khai thác của Nhà nước.
Vấn đề quan trọng để hình thành và phát triển một đô thị đẹp là phải có bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước. Hay nói cách khác, quản lý đô thị không thể là vấn đề thứ yếu trong việc tạo dựng một khu đô thị đẹp.
KS.KTS LÊ TRỌNG CƯỜNG - TRẦN QUỚI