Thứ Hai, 30/09/2024 00:43 SA
Xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa):
Mía tồn trên ruộng là do lỗi của đầu nậu!
Thứ Tư, 29/08/2007 14:00 CH

Theo Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, do sản lượng mía niên vụ năm 2006 - 2007 đã hết, nên chiều 23/8, nhà máy chính thức ngưng hoạt động chế biến đường để bảo dưỡng máy móc. Trong khi đó, một số hộ nông dân xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) lại kêu “cứu” về việc mía của họ đã thu hoạch còn tồn đọng với khối lượng lớn trên đồng ruộng, nhưng nhà máy không chịu thu mua. Thực tế  sự việc thế nào?

 

MUA MÍA ĐỂ TỒN RỒI... KÊU CỨU

 

070828-MIA.jpg

Mía cây còn tồn đọng trên ruộng ở Sơn Phước là lỗi của ông Trần Thanh Tĩnh - Ảnh: N.LƯU

 

Tại khu vực Hòn Ông (xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa), đám mía của bà H’Mai (dân tộc Ê Đê) đã chặt, chất đống hoặc bỏ nằm la liệt trên ruộng. Ở cách đấy không xa, mía cũng chặt chất đống trên nhiều chân ruộng. Quan sát kỹ thì thấy quá nhiều gốc mía trên ruộng đã nảy mầm cao từ 0,1 – 0,3m, còn dấu vết chặt đã tóp khô và cây mía đã ngả sang màu vàng (mía bị chạy chè– PV). Điều này chứng tỏ hầu hết mía ở đây đã thu hoạch và bỏ ngoài mưa nắng rất lâu ngày.

 

Ông Trần Thanh Tĩnh ở xã Sơn Phước, người đã gọi điện “kêu cứu” với các cơ quan thông tin đại chúng, cũng chính là người đã mua lại đám mía của bà H’ Mai, cho biết: “Ở đây còn 5 đám mía của nông dân đã thu hoạch với sản lượng mía tồn trên ruộng khoảng trên 170 tấn. Riêng đám mía của bà H’Mai còn tồn khoảng 22 tấn, mía của ông Lê Văn Thọ còn tồn khoảng 40 tấn… Mía đã chặt lâu, nhưng do trời mưa nhiều nên không chở được. Vả lại Trạm mía ở xã Sơn Phước không điều xe vận chuyển mía cho nông dân! Bây giờ nhà máy ngưng hoạt động không thu mía nữa, gây thiệt hại cho bà con gần 60 triệu đồng…”.

 

Tuy nhiên, tại trụ sở UBND xã Sơn Phước, Phó Chủ tịch xã Sô Minh Lộc cho chúng tôi biết, tổng diện tích 1.870ha mía trên địa bàn xã đã thu hoạch dứt điểm bán cho nhà máy đường KCP trên 90.100 tấn. Do vậy, ngày 22/8/2007, Chủ tịch UBND xã Sơn Phước Nguyễn Văn Tý đã ký bản xác nhận với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam là toàn bộ số lượng mía của nông dân xã Sơn Phước ký hợp đồng bán cho nhà máy KCP trong niên vụ 2006 – 2007 đã chấm dứt. Nhà máy đường KCP đã phát lệnh thu hoạch mía cho các hộ trồng mía ở khu vực Hòn Ông, nhưng họ lại bán mía cây cho ông Trần Thanh Tĩnh. Vì vậy, nông dân không thiệt hại về kinh tế, còn việc ông Tĩnh tự ý mua gom mía và để tồn đọng lâu ngày trên ruộng, thì chính quyền địa phương không chịu trách nhiệm.

 

NHÀ MÁY ĐƯỜNG KCP ĐÃ CÓ NHIỀU NỖ LỰC TIÊU THỤ MÍA CỦA NÔNG DÂN

 

Chúng tôi đã làm việc với ban giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam về việc nhà máy ngưng hoạt động nhưng vẫn còn tồn đọng nguyên liệu mía ở xã Sơn Phước. Ông K.R. Murthy, Giám đốc nguyên liệu công ty này cho biết, căn cứ vào số lượng mía còn đứng trên ruộng và công suất chế biến của nhà máy, ngày 9/8, Công ty đã có thông báo số 0764 đề nghị bà con nông dân khẩn trương thu hoạch mía còn lại và nhập mía vào nhà máy để nhà máy kết thúc vụ ép vào lúc 22 giờ ngày 15/8/2007. Tuy nhiên, do tiến độ thu hoạch mía của nông dân quá chậm nên công ty quyết định kéo dài thời gian đến chiều tối 23/8/2007 mới chính thức kết thúc chế biến, nhằm thu mua hết mía của nông dân. Như vậy, trong niên vụ này, nhà máy sản xuất vượt thời gian đúng 2 tháng so với niên vụ năm 2005 – 2006, với sản lượng mía nguyên liệu chế biến lên đến 694.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay.

 

Ông K.R. Murthy cũng đã khẳng định, công ty đã thực hiện đúng quy trình thu mua hết mía cho nông dân. Riêng ông Trần Thanh Tĩnh mua gom mía của bà H’ Mai, ông Lê Văn Thọ và một số nông dân khác ở xã Sơn Phước rồi để mía tồn chứ không vận chuyển bán cho nhà máy kịp thời. Nhà máy đã phát 2 lệnh thu hoạch mía cho bà H’ Mai vào ngày 1/8, với thời gian nhập mía vào nhà máy ngày 4/8 và 5/8. Theo quy định, lệnh thu hoạch mía chỉ có giá trị trong vòng 48 giờ, nhưng nhà máy đã gia hạn nhập mía của bà H’ Mai đến ngày 17/8 và 21/8; nhà máy cũng đã có lệnh vận tải mía cho hộ ông Lê Văn Thọ vào ngày 21/8.  Thế nhưng, ông Tĩnh đã không chở mía vào nhà máy, để rồi kêu “cứu” khi nhà máy ngừng hoạt động! Không lẽ nhà máy đường KCP với công suất 3.500 tấn/ngày phải chạy không tải để chờ vận chuyển mía mua gom của ông Tĩnh! Cũng cần nói thêm rằng, vào đầu vụ mía năm 2006 – 2007, nhà máy đường KCP đã ký hợp đồng với ông Trần Thanh Tĩnh để tiêu thụ 7,8ha mía với sản lượng khoảng 248 tấn. Và ông Tĩnh đã nhập vào nhà máy đến chuyến mía cuối cùng vào ngày 17/8, với tổng sản lượng mía nhập trong toàn vụ lên đến 407 tấn, vượt 159 tấn!

 

Từ thực tế trên, có thể thấy rằng, trong vụ mía vừa qua, nhà máy đường KCP đã có nhiều nỗ lực, thậm chí chấp nhận thiệt thòi, để tiêu thụ mía cho nông dân. Nhà máy đã kết thúc vụ sản xuất và ngưng mua mía là hoàn toàn đúng! Việc mía thu hoạch còn tồn đọng trên đồng ruộng là do lỗi của nông dân, cụ thể là do ông Trần Thanh Tĩnh!

 

 

NGUYÊN LƯU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek