Hiện nay, nghề bó chổi ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Cuối năm 2007, làng nghề bó chổi ở thôn Mỹ Thành được công nhận là làng nghề truyền thống. Làng nghề được UBND tỉnh đầu tư xây dựng cổng chào, đường bê tông dẫn vào làng và hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. Nhờ vậy, những hộ dân làm nghề có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô. Theo ông Ngô Văn Hải, Trưởng thôn Mỹ Thành, trước đây, khi mới được công nhận làng nghề, hầu hết các hộ sản xuất chổi ở thôn chỉ hoạt động trong quy mô gia đình, lao động chủ yếu là người trong nhà. Bình quân mỗi cơ sở chỉ có khoảng 2-6 người làm việc. Nhiều năm gần đây, khi sản phẩm chổi của làng nghề được tiêu thụ mạnh, các cơ sở sản xuất chổi đã mở rộng sản xuất.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, chủ một cơ sở sản xuất chổi ở Mỹ Thành, cho biết: Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí, những người làm nghề như tôi rất phấn khởi. Sản phẩm do mình làm ra được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, giúp tiêu thụ dễ dàng hơn. Mấy năm gần đây, gia đình tôi đầu tư mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công để nâng công suất. Hiện cơ sở của tôi có 10 công nhân; bình quân, mỗi ngày làm được 1.000 cây chổi. Còn theo bà Cao Thị Nàng, cơ sở sản xuất của bà mỗi ngày có hơn 15 công nhân làm việc, sản xuất được 1.500 cây chổi. Khoảng 5 ngày, gia đình bà sẽ đưa một chuyến hàng lên các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk… tiêu thụ. Giá bán một cây chổi hiện nay từ 15.000-25.000 đồng, tùy vào độ dày - mỏng, cán nhựa hay cán đót.
Hoạt động sản xuất của làng nghề ngày càng phát triển nên nhu cầu nhân công làm nghề ngày càng tăng. Ông Ngô Văn Hải cho biết: Hiện nay, làng nghề có 215 hộ dân tham gia sản xuất. Mỗi hộ có từ 4-15 người làm việc. Ngoài giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 700 lao động phổ thông tại địa phương, làng nghề còn thu hút gần 300 lao động tại các thôn lân cận như Mỹ Hòa, Phú Lộc và Phong Niên đến làm việc.
Theo ông Hà Văn Lập, chủ một cơ sở ở Mỹ Thành, nghề bó chổi dễ học, dễ làm lại nhẹ việc nên rất phù hợp với phụ nữ và người lớn tuổi. Công việc bó chổi có tất cả 6 công đoạn gồm tước đót, lăn con, bó cổ, bó cán, bện và gom thành phẩm. Trong đó chỉ có công đoạn bó cổ, bó cán là khó nhất, đòi hỏi phải có kỹ thuật và tay nghề để tạo ra một cây chổi chắc và tròn đẹp. Vì vậy công đoạn này được trả thù lao cao nhất. Các công đoạn còn lại dễ làm nên chỉ cần tiếp xúc một, hai buổi là có thể quen việc. Ngoài ra, công việc bó chổi không trả lương theo tháng mà theo thành phẩm, nên nhiều chị em tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm kiếm thêm. Bình quân, mỗi công nhân có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Sơn, một thợ bó chổi lành nghề tại cơ sở của ông Lập, cho hay: Tôi làm nghề này đã gần 10 năm. Khi mới vào nghề chỉ phụ trách khâu tước đót, lăn con. Khi đã thuần việc thì chuyển qua khâu bó cán. Hiện mỗi ngày tôi quấn được khoảng 100 thành phẩm, thu nhập 180.000 đồng.
Hiện nay, ngoài việc thu hút người về làm việc tại chỗ, nhiều cơ sở còn linh hoạt cho công nhân nhận đót về nhà để làm. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, chủ một cơ sở làm chổi ở Mỹ Thành thì cơ sở của ông có khoảng 35 công nhân làm việc. Trong đó chỉ có khoảng 15 người làm việc tại chỗ, còn lại đều nhận đót về nhà làm, khi nào xong sẽ giao thành phẩm về cơ sở.
Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng Đào Tấn Hữu cho biết: Mấy năm gần đây, sản phẩm chổi đót của làng nghề bó chổi Mỹ Thành được tiêu thụ mạnh, thị trường được mở rộng ra các tỉnh ngoài như Gia Lai, Đắk Lắk, Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận… Người làm nghề mở rộng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động tại địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng làng nghề bó chổi Mỹ Thành sản xuất được 100.000 cây. Mỗi năm làng nghề chỉ hoạt động khoảng 10 tháng, thời gian từ 20 tháng Chạp đến hết tháng Giêng gần như nghỉ hẳn. Để người dân có điều kiện đầu tư sản xuất, địa phương cũng đã kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển sản xuất với dư nợ 500 triệu đồng/25 hộ.
SƠN CA