Hơn 10 năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành Tây (huyện Đông Hòa) duy trì đều đặn mô hình chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao. Từ mô hình này, HTX giúp thành viên tiếp cận các giống cây mới, cho giá trị kinh tế cao.
Từ năm 2005, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đông Hòa lần thứ IX về triển khai mô hình sản xuất đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành Tây (HTX Hòa Thành Tây) đã triển khai mô hình Thâm canh lúa xen màu trên đất thổ. Ông Nguyễn Phước, Giám đốc HTX Hòa Thành Tây, cho biết: Khu vực thôn Phước Bình Bắc và Lộc Đông của xã Hòa Thành nằm ven sông Đà Rằng có nguồn đất cát pha (đất thổ) thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ. Trước đây, toàn bộ diện tích này gần như bỏ hoang, cỏ dại bao phủ. Sau đó, đất được giao cho các hộ dân phục vụ sản xuất nông nghiệp trên tinh thần “2 thổ 1 đồng” để khuyến khích người dân nhận đất. Tức là nếu không nhận 1 sào đất đồng (đất cấy lúa hàng năm) thì sẽ được nhận 2 sào đất màu ở đây. Người dân trong xã lúc đó chủ yếu trồng lúa, cây màu trồng ở vườn nhà, trong khi đó đất ở đây phù hợp với trồng màu, nên nhiều người e ngại không muốn nhận. Chỉ có các hộ dân nhà ở gần ruộng mới nhận để tiện cho việc sản xuất nông nghiệp. UBND xã đã phối hợp với HTX triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao trên diện tích này; nhờ trồng màu cho giá trị kinh tế cao nên đến nay, mô hình vẫn được thành viên HTX duy trì và phát triển.
Theo UBND xã Hòa Thành, năm 2005, UBND xã giao HTX Hòa Thành Tây thực hiện trên diện tích 5,52ha với 24 hộ tham gia thâm canh theo hình thức trồng lúa xen dưa hấu hoặc bắp. Để hỗ trợ bà con, HTX đã trích quỹ phát triển sản xuất cho các hộ tham gia có kinh phí mua giống cây. Cụ thể người trồng giống dưa hấu được hỗ trợ 30.000 đồng/sào, bắp lai 15.000 đồng/sào. Đồng thời, đơn vị làm tờ trình kiến nghị Công ty Điện lực Phú Yên mở đường điện hạ thế đến vùng sản xuất để phục vụ việc tưới nước cho cây. Cuối năm đó, mô hình cho kết quả kinh tế cao, thu nhập đạt 75,5 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí cho lãi 52,6 triệu đồng/ha/năm. Từ thành công này, bà con không chỉ trồng dưa hấu mà còn trồng các loại cây hoa màu khác đáp ứng nhu cầu thị trường như khổ qua, dưa leo, bí đao… Đến nay, diện tích sản xuất mô hình đạt 20ha, thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm, cho lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Lê Đức Cung, một hộ tham gia mô hình, gia đình ông có 1,8 sào màu, thực hiện xen canh 2 vụ lúa 1 vụ dưa. 2 vụ lúa phục vụ lương thực cả gia đình trong năm, còn trồng dưa phủ bạt mỗi năm giúp gia đình ông có lãi từ 10-30 triệu đồng. Chia sẻ về hình thức xen canh tăng vụ này, ông Nguyễn Văn Hiển ở thôn Phước Bình Bắc, nói: Gia đình tôi thấy việc trồng xen canh 1 vụ dưa 2 vụ lúa rất có hiệu quả; vừa tiết kiệm chi phí phân thuốc vì lượng phân thuốc cho cây dưa tồn dư dưới đất sẽ phục vụ tiếp cho cây lúa, vừa hạn chế được cỏ dại mà giá trị kinh tế cao. Gia đình tôi có 5 sào đất, canh tác kỹ thuật này trên diện tích 4 sào, riêng cây dưa sau thu hoạch cho lãi 25 triệu đồng/vụ.
Theo ông Nguyễn Phước, để tiếp tục nhân rộng mô hình, HTX Hòa Thành Tây tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cây trồng, đặc biệt trên đất lúa kém hiệu quả. Hộ thành viên nào thực hiện chuyển đổi cây trồng tăng vụ với diện tích từ 1ha trở lên sẽ được hỗ trợ ban đầu 100.000 đồng/sào.
BẠCH VÂN