Vài năm trở lại đây, giá sắn tăng cao nên người dân ở huyện Sông Hinh liên tục mở rộng diện tích trồng sắn. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, diện tích trồng sắn ở địa phương này lên đến hơn 8.000ha. Việc phá vỡ quy hoạch vùng trồng chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy.
NHÀ NHÀ TRỒNG SẮN
Sắn làloại cây dễ trồng, mỗi héc ta sắn cao sản đầu tư khoảng 10-15 triệu đồng, năng suất đạt từ 30-40 tấn/ha. Với giá bán hiện nay từ1,7-1,77 triệu đồng/tấn sắn nguyên liệu, người trồng có thể lãi từ30-40 triệu đồng/ha… nên nhà nhà đua nhau trồng sắn. Cách đây chưa đầy 5 năm, người dân xã Ea Lâm vẫn còn khá thờ ơ với cây sắn, nhưng giờ đây có gia đình trồng từ 5-10ha sắn, đầu tư hàng chục triệu đồng tiền giống mà vẫn chưa muốn dừng lại. Năm 2011, xã Ea Lâm chỉ có hơn 5ha đất trồng sắn, đến nay con số này đã trên 750ha. Ông Ma Oách ở buôn Học, xã Ea Lâm duy trì 7ha sắn từ 3 năm nay. Theo Ma Oách, diện tích sắn nói trên là nguồn thu nhập chính của gia đình nên cả nhà tập trung đầu tư chăm sóc. Còn ông Nguyễn Văn Trò ở buôn Bai, xã Ea Lâm, bộc bạch: “Năm ngoái, gia đình tôi trồng 10ha sắn, thu lãi trên 200 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 5ha nữa. Ở buôn Bai hiện nay hầu như nhà nào cũng có ít nhất vài héc ta sắn”. Cũng như nhiều nông dân khác ở huyện Sông Hinh, năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hiền ở buôn Thu, xã Ea Trol mở rộng thêm diện tích trồng sắn lên 4ha. Theo bà Hiền, mùa sắn năm nay, gia đình bà đầu tư khoảng 60 triệu đồng. Bà Hiền hy vọng sắn được mùa sẽ trả hết nợ và có thể bỏ túi vài chục triệu đồng…
Điều đáng lo ngại là chất lượng hom sắn giống trong vụ này kém hơn những vụ trước. Theo phản ánh của người dân, cây giống đảm bảo chất lượng đã được trồng từ những tháng đầu năm 2016, nhưng do nắng hạn kéo dài nên rất nhiều diện tích bị mất trắng. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Sông Hinh có mưa, đủ điều kiện về độ ẩm để xuống giống nhưng hom giống lại rất khan hiếm. Ông Ma Giang ở buôn Dành B, xã Ea Bia, cho hay: “Nhà tôi có 2,5ha đất trồng sắn, nhưng hom giống bảo quản từ vụ trước chỉ đủ trồng 1ha, còn lại 1,5ha phải mua hom giống với chi phí gần 3 triệu đồng. Mặc dù giá hom giống rất đắt (15.000 đồng/bó từ 17-18 cây) nhưng chất lượng thì không đảm bảo. Rất nhiều cây giống đã mọc rễ, lên mầm. Biết giống kém chất lượng nhưng chúng tôi vẫn phải trồng vì hiện nay không biết tìm đâu ra hom sắn giống”. Còn anh Lương Bá Cường ở buôn Thu, xã Ea Trol thì cho biết, trong buôn chỉ có một vài hộ đủ sắn giống để trồng, còn đa số bà con đều thiếu, phải đi mua giống.
NHIỀU RỦI RO
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, việc người dân ồ ạt trồng sắn như hiện nay chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Hàng năm, Phòng NN-PTNT huyện đều gửi công văn cho các xã, thị trấn để định hướng, xây dựng kế hoạch trồng sắn cho phù hợp với quy hoạch dài hạn và canh tác sắn theo hướng bền vững. Tuy nhiên, diện tích sắn tăng nhanh như hiện nay thì việc sắn nguyên liệu mất giá là điều khó tránh khỏi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, đến nay, diện tích sắn toàn huyện khoảng 8.025ha. Tuy nhiên, con số này tiếp tục tăng khi vẫn còn khá nhiều diện tích sắn đang trồng tại các khu vực đất mới khai hoang, nhất là ở vùng sâu, vùng rừng núi…
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Người dân mua sắn giống từ nhiều nơi về như ở các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, thậm chí có người lên đến tỉnh Đắk Lắk để mua. Tuy nhiên, đa số bà con không kiểm soát được mầm bệnh trên cây sắn giống nên rất dễ phát sinh các bệnh hại sắn như chổi rồng, rệp sáp bột hồng và sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng mùa vụ. Về lâu dài, đất trồng sắn sẽ bị bạc màu, khô cứng, năng suất sắn sẽ giảm 20-30% mỗi năm. Nếu đất trồng sắn nhiều năm muốn chuyển đổi sang trồng các cây khác thì rất khó phát triển. Phòng NN-PTNT huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con không trồng sắn ồ ạt, cần luân phiên cây trồng để cải tạo đất và không phá vỡ quy hoạch vùng trồng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận từ việc trồng sắn đang cao nên người dân vẫn mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.
NGỌC CƯỜNG