Hiện nay, nhiều người dân quan tâm đến tiêu dùng xanh như một cách góp phần bảo vệ môi trường và tự bảo vệ mình trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của thời tiết. Các doanh nghiệp cũng đã chú ý hơn đến việc xây dựng thương hiệu xanh nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng.
Ý THỨC TỪ TÚI NI LÔNG…
Túi ni lông là vật dụng quen thuộc với mỗi người tiêu dùng trong xã hội hiện nay. Nó có mặt trong hầu hết hoạt động mua bán, trao đổi của con người. Tuy nhiên, vật dụng này rất khó tiêu hủy nên ảnh hưởng lớn đến môi trường nếu người tiêu dùng không biết sử dụng đúng cách, đúng chỗ. Chị Ngô Thị Quyên, bán hàng rau củ tại chợ Tuy Hòa, cho biết: Mỗi ngày tôi sử dụng từ 300-500 gram túi ni lông (từ 100-150 cái) để đựng thực phẩm cho khách hàng. Trước kia, với mỗi loại rau củ, tôi đều dùng 1 cái túi khác nhau nhưng bây giờ tôi thuyết phục khách hàng bỏ chung vào 1 túi, vừa tiết kiệm lại tránh được việc xả rác tràn lan.
Trong khi người bán hàng sử dụng ít túi để tiết kiệm thì người tiêu dùng cũng đang hình thành ý thức hạn chế sử dụng vật dụng này để không gây ô nhiễm môi trường. Chị Phạm Thị Huệ ở phường 7, TP Tuy Hòa, nói: Mỗi ngày đi chợ, tôi xách về trên dưới 10 túi ni lông lớn nhỏ các loại. Sau khi lấy thức ăn ra, những túi nào bẩn thì tôi bỏ vào sọt rác, còn túi sạch tôi gom cất để sử dụng lại khi cần. Ngoài ra, khi đi mua hàng, tôi nói người bán bỏ chung vào một túi lớn, vừa đỡ xả rác, lại không sợ quên, lạc đồ vì phải mang quá nhiều túi. Còn theo chị Lê Thị Hồng Gấm ở phường 4, TP Tuy Hòa, thì lúc nào chị cũng mang theo 1 cái túi xách lớn để tiện dùng khi đi chợ nên hạn chế sử dụng túi ni lông rất nhiều. Bạn bè chị thấy hợp lý nên rất nhiều người cùng hưởng ứng mang theo túi xách khi đi chợ.
Không chỉ ý thức trong việc sử dụng túi ni lông, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc phân loại rác thải ngay từ nhà để xử lý rác thải dễ dàng, hiệu quả hơn. Chị Lê Thị Lan ở phường 9, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Từ lâu, tôi tập cho mình và gia đình thói quen phân loại rác thải ngay từ nhà để việc xử lý rác thuận lợi hơn. Tôi bỏ các loại chai, lọ nhựa và túi ni lông vào 1 túi, các loại rác thải khác vào 1 túi khác để những người thu gom rác dễ làm việc. Những loại quần áo, giày dép, vật dụng cũ nhưng còn sử dụng được, tôi gom lại gửi cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
ĐẾN TIÊU DÙNG THƯƠNG HIỆU XANH
Từ hạn chế túi ni lông trong tiêu dùng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người dân ngày càng quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng các thương hiệu xanh vì môi trường. Thương hiệu xanh được hiểu là những nhà sản xuất đáp ứng tốt các tiêu chí thân thiện với môi trường, vừa được hiểu là những sản phẩm “sạch”, an toàn. Trong một xã hội có mạng thông tin nhanh nhạy như hiện nay, thương hiệu xanh đang dần trở thành tiêu chí quan trọng liên quan đến sự tồn vong của doanh nghiệp. Chị Trần Thị Hiền ở phường 7, TP Tuy Hòa, cho biết: Tôi sẽ không sử dụng sản phẩm của những doanh nghiệp vi phạm hoặc không chú trọng đến môi trường sống và các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là cách tôi tự bảo vệ mình và tương lai của các con.
Trong Tháng Hành động vì môi trường năm 2016, siêu thị Co.opMart Tuy Hòa triển khai chương trình khuyến mãi “Tiêu dùng xanh” nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xanh, vì môi trường. Đợt này, doanh nghiệp giảm giá từ 20-30% hơn 500 sản phẩm của các nhà sản xuất đáp ứng các tiêu chí về sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường. Đơn vị này cũng hỗ trợ trưng bày, đẩy mạnh tuyên truyền, nhận diện và khuyến khích sử dụng sản phẩm của các thương hiệu xanh. Điểm nhấn trong chương trình năm nay là Tuần lễ Trái cây Việt nhằm quảng bá và nâng cao giá trị nông sản Việt, đồng thời cung cấp trái cây an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cứ mỗi hóa đơn từ 100.000 đồng khi mua trái cây nội sẽ trích ra 1.000 đồng đóng góp vào Quỹ Lá yêu thương nhằm giúp đỡ cho nông dân miền Tây bị hạn hán, xâm nhập mặn. Ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, cho biết: Là một nhà bán lẻ uy tín, chúng tôi luôn đề cao việc kiểm soát nguồn hàng, kiên quyết từ chối sản phẩm của các nhà sản xuất không chú trọng đến môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Vấn đề môi trường sống và an toàn vệ sinh thực phẩm tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chưa được tiến hành thường xuyên, chưa trở thành nhận thức, hành động của các doanh nghiệp. Do vậy, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, sử dụng quyền lựa chọn của mình để lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu xanh và từ chối sản phẩm của các doanh nghiệp không quan tâm đến các điều kiện về môi trường. Khi người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay sản phẩm của những nhà sản xuất vi phạm sẽ buộc các doanh nghiệp này cải thiện các điều kiện sản xuất phù hợp, thân thiện với môi trường sống.
Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Phú Yên |
NGÔ XUÂN