Những ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa, nông dân đã tập trung ra đồng làm đất gieo sạ lúa hè thu trà chính vụ. Tuy nhiên, một số ít diện tích khi gieo sạ gặp mưa, lúa sạ chưa kịp bám rễ “nhảy” dồn đống, nông dân đang lo ngại tốn công cấy dặm.
TẬP TRUNG GIEO SẠ
Những ngày này, trên cánh đồng Cháy ở xã An Cư (huyện Tuy An), nông dân khẩn trương ra đồng làm đất, gieo sạ lúa. Ông Phan Văn Long đang bừa kéo láng, cho hay: Gieo sạ hồi đầu vụ gặp trời mưa, thuận lợi cho việc làm đất. Sợ trời tiếp tục mưa nên ai cũng làm kỹ khâu kéo láng để khi sạ xả nước khô, tránh ngập úng.
Tại đập Hà Yến ở xã An Thạch (huyện Tuy An), địa phương vừa lắp đặt 2 máy bơm hút nước từ sông Hà Yến (một nhánh nhỏ của sông Kỳ Lộ) tưới cho cánh đồng xã An Thạch, An Ninh Tây. Thế nhưng do mưa to, nước sông Kỳ Lộ lên cao đổ về sông Hà Yến làm cho mực nước tại đập vượt ngưỡng tràn. Do vậy, địa phương không phải sử dụng máy bơm, tiết kiệm được một khoản lớn kinh phí. Theo ông Thiều Quốc Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp An Thạch: Khi cày ải gặp mưa, ruộng đủ nước nên tiến độ gieo sạ nhanh. Nếu phải bơm nước tưới ruộng dẫn theo kênh mương thì từ khi bơm phải đến nửa tháng sau nước mới tràn qua cánh đồng xã An Thạch, sau đó xuống cánh đồng xã An Ninh Đông. Hơn nữa, sử dụng máy bơm tốn điện và công vận hành...
Tại cánh đồng Lưới Gõ, Hiệp Đồng thuộc xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), nông dân vừa gieo sạ lúa vừa tát nước. Ông Trần Minh Cảnh làm ruộng trên cánh đồng Lưới Gõ, cho biết: Ruộng ở đây nằm trong vùng trũng nên khi trời mưa, nông dân sạ cùng lúc phải chịu khó tát khi nước chảy từ cánh đồng trên cao dồn về. Mấy năm trước, việc gieo sạ cho vụ hè thu gặp trời nắng hạn nên phải thức đêm bơm nước. Có đám đất cao, khô nước nên bừa không phẳng, khi sạ gặp trời nắng, mầm lúa chết héo. Còn năm nay, sạ thuận lợi, lúa bén rễ nhanh.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, vụ hè thu năm nay thời tiết tốt, nông dân gieo sạ lúa hè thu đúng lịch thời vụ. Bước vào đầu vụ gieo sạ, một số diện tích đất ven biển thuộc các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Hiệp Nam bị nhiễm mặn nhưng mưa giúp rửa mặn, nông dân xuống giống thuận lợi.
Theo Sở NN-PTNT, đến nay, nông dân các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An đã gieo sạ 10.000ha lúa hè thu trà chính vụ. Nông dân trồng lúa áp dụng các phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý, giảm lượng giống sạ xuống khoảng 100kg/ha. Những vùng chủ động được việc tưới tiêu nước có thể sạ theo hàng, sạ thưa với lượng giống 80-100kg/ha và 40-50kg/ha đối với lúa lai.
SẠ LÚA LAI
Vụ hè thu này, tại các xã Ea Bá, Sơn Giang, Đức Bình Tây, Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), nông dân gieo sạ lúa lai KC06, Hương ưu 3068, Nhị ưu 838 và TH3-3. Ông Nguyễn Bình Sanh ở xã Đức Bình Tây, chia sẻ: Lúa lai sạ thưa chỉ cần 5kg/sào. Lúa nhà tôi sạ hồi cuối tuần qua, tối đó gặp mưa, sáng ra thấy rễ lúa nằm dài dưới đất, qua ngày sau dứt mưa, mầm lúa “ngồi dậy” ngon lành. Một số diện tích sạ đầu tuần gặp mưa liên tiếp, lúa giống chưa kịp bén rễ lại gặp mưa to “nhảy” dồn lúa giống, chỗ thưa quá thì trống đất, chỗ dày quá thì lúa đú (chậm phát triển), sắp đến sẽ tốn công cấy dặm.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, vụ hè thu năm 2016, toàn huyện gieo sạ 1.400ha, trong đó có 150ha lúa lai - địa phương có diện tích lúa lai cao nhất tỉnh. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Lúa lai góp phần làm tăng năng suất lúa nên vụ hè thu này, các xã trong huyện tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ lúa lai trên địa bàn huyện, đồng thời xây dựng mô hình khảo nghiệm một số giống lúa lai mới để đưa vào cơ cấu giống những năm tiếp theo. Vụ đông xuân vừa qua, huyện đã cấp phát khoảng 8,5 tấn lúa lai gồm 2 giống lúa là TH3-3 và Nhị ưu 838. Các giống lúa lai có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và nắng hạn thiếu nước, năng suất ước đạt từ 65-70 tạ/ha.
Theo Sở NN-PTNT, vụ hè thu năm 2016, toàn tỉnh gieo sạ 24.500ha, trong đó có 300ha lúa lai. Nông dân xuống giống từ 20/5-10/6, để lúa trổ tập trung sau tiết Lập Thu (ngày 7/8), thu hoạch gọn trước ngày 20/9, nhằm hạn chế tình trạng khô hạn, thiếu nước vào giữa vụ và ngập lụt vào cuối vụ. Các địa phương cần vận động nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón ruộng, cải tạo độ phì, lượng bón 5-10 tấn/ha (sau khi ủ hoai mục). Sở cũng khuyến cáo ngoài việc bón phân hữu cơ, nông dân nên kết hợp sử dụng các loại phân đơn (đạm, lân, kali...) để giảm chi phí sản xuất. |
LÊ TRÂM